Ảnh minh hoạ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư…
Theo đó, các địa phương đã ban hành văn bản nghiêm cấm hành vi săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, thời gian này đang là mùa chim di cư, dự báo tình hình săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại một số địa phương gia tăng và diễn biến phức tạp.
Chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến tận khu dân cư, hộ gia đình nhưng tình trạng săn bắt chim hoang dã, di cư vẫn tái diễn. Cán bộ địa phương không thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nên khó ngăn chặn triệt để nạn săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư...
Hành vi săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã, di cư đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các loài chim nói riêng, đa dạng sinh học nói chung, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư đang có nguy cơ bị tận diệt, lực lượng kiểm lâm các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng cần tổ chức thường xuyên các đợt tuần tra, kiểm soát tại khu vực trọng điểm về săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt là tại nơi được xác định là tụ điểm thu gom, phân phối chim hoang dã.
Chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, không thực hiện hành vi săn bắt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không mua bán, giết mổ các loài chim hoang dã, di cư; duy trì hoạt động thường xuyên của tổ công tác liên ngành cấp xã, phường.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi săn bắt, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim hoang dã, di cư; tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ, qua đó thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật bảo đảm tính răn đe và phù hợp tình hình thực tiễn... Có như vậy mới góp phần bảo vệ hiệu quả các loài chim hoang dã, di cư, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết