Hiểm họa từ hội chứng “thối não”
Thuật ngữ thối não (tạm dịch từ “brain rot”) chỉ trạng thái suy giảm trí tuệ hoặc tinh thần của một người. Thối não được xem là hậu quả của việc nghe, xem quá nhiều nội dung trực tuyến tầm thường hoặc không có tính thử thách. Hiện đang có một trào lưu đang lan truyền trên mạng xã hội với loạt nhân vật AI kỳ quái, phi lý nhưng lại cuốn hút đến khó hiểu, khiến nhiều người rơi vào trạng thái “thối não”.
Sức hút từ “Tung Tung Tung Sahur, Bánh mì ram ram”
Loạt nhân vật do AI tạo nên trên mạng xã hội thường là sự pha trộn phi lý giữa con người, động vật và các vật thể vô tri. Những cái tên như Ballerina Cappuccina (vũ công ba lê đầu tách cà phê), Tralalero Tralala (cá mập ba chân mang giày Nike đi bộ dưới biển), hay Tung Tung Tung Sahur (khúc gỗ có mắt mũi miệng) đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với giới trẻ. Khi lan sang Việt Nam, trào lưu tiếp tục phát triển với các biến thể bản địa như quái vật bánh mì, quái vật học hay quái vật matcha latte…. Nhiều người trẻ hay lẩm nhẩm mấy cái tên kỳ quặc như bánh mì ram ram hay Tralalero Tralala, mỗi khi đầu óc trống rỗng.
![]() |
Tung Tung Tung Sahur là một hiện tượng mạng về những thứ phi lý tạo ra bằng AI |
Sức hút của trào lưu này đến từ cảm giác “ai hiểu thì hiểu” với tính chất giải trí phi logic. Không chỉ dừng lại ở việc xem, người dùng TikTok còn tham gia mở rộng vũ trụ nhân vật bằng cách sáng tạo thêm hậu truyện, mối quan hệ và các phiên bản mới.
Nhiều bạn trẻ tham gia bằng cách thử thách nhau đọc đúng tên nhân vật, xếp hạng “quái vật” mạnh nhất hay sáng tạo thêm tình tiết mới. Dù không mang nhiều nội dung sâu sắc, trào lưu này lại được xem là một hình thức giải trí đơn giản, giúp giảm căng thẳng sau những giờ học tập, làm việc.
Báo động suy giảm trí tuệ, tinh thần
Các chuyên gia đã cảnh báo “nội dung trực tuyến tầm thường” sẽ tiếp tục đe dọa bộ não của giới trẻ trong năm 2025 và thời gian tới. Bởi, các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube hay Instagram không ngẫu nhiên gây nghiện. Các thuật toán được thiết kế tinh vi để giữ người dùng càng lâu càng tốt, bằng cách liên tục cung cấp những kích thích mới mẻ, nhưng thường thiếu chiều sâu. Điều này vô tình kéo người trẻ vào dòng chảy tin tức mạng xã hội, khiến họ tiêu thụ nội dung trực tuyến tầm thường như một thói quen và một nhu cầu bắt buộc.
Một báo cáo từ Đại học Harvard (2024) cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội trong khi học sẽ làm giảm hiệu suất đến 30% do tình trạng “đa nhiệm ảo”. Còn khảo sát của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, sinh viên sử dụng mạng xã hội quá nhiều thường chịu áp lực về cảm xúc, thời gian và khả năng làm chủ bản thân. Đặc biệt, TikTok và YouTube đang trở thành “bẫy thời gian”, khiến nhiều sinh viên trì hoãn việc học để tham gia các nội dung giải trí.
![]() |
Các sinh vật hư cấu từ AI bắt đầu xuất hiện liên tục sau Tung Tung Sahur. |
Về hoạt động chuyên môn, thời gian dành cho mạng xã hội đang làm giảm cơ hội rèn luyện kỹ năng. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (2024) chỉ rõ, gần một nửa số người lao động trẻ thiếu các kỹ năng cơ bản để đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi trung bình họ dành 4 - 5 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội. Điều này cho thấy, thế hệ trẻ đang lãng phí thời gian vào các nội dung không mang lại giá trị thực tế cho sự nghiệp.
Cần học cách huấn luyện não bộ
Các chuyên viên tâm lý cho rằng, về nhận thức, việc tiêu thụ nội dung nông cạn khiến con người mất khả năng suy nghĩ sâu, giảm tư duy phản biện và dễ chấp nhận thông tin sai lệch. Về hành vi, việc ưu tiên các hoạt động trực tuyến vô nghĩa có thể dẫn đến trì hoãn công việc, giảm hiệu suất học tập, thậm chí xa lánh giao tiếp ngoài đời thực. Đặc biệt, với đối tượng thiếu niên, khi hệ thống nhận thức về thế giới chưa hoàn chỉnh, trẻ dễ bắt chước các trào lưu xấu độc, có những trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy, cần chọn lọc việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, thoát khỏi các trang thông tin giật tít, câu view; chuyển sang theo dõi các nội dung chính thống, khoa học, các mẹo vặt cuộc sống... để dần “cách ly” với nội dung tiêu cực.
Ngoài ra, giải trí bằng sách, báo, âm nhạc, phim ảnh hay hoạt động thể thao và các hoạt động ngoài trời cũng là cách để não bộ và cơ thể được huấn luyện, bồi đắp những giá trị lành mạnh, cao đẹp.
An Ngọc
Ý kiến bạn đọc