Tuyển chọn người tài ngày xưa
Tuyển chọn người tài ra làm quan là một quốc sách đối với nhiều triều đại thời phong kiến. Người có tài điều hành việc nước, dù là ở triều đình hay tại các địa phương, đều có dịp thi thố tài năng để góp phần vào những công cuộc ích nước lợi dân. Những biểu hiện dưới đây cho thấy ông cha ta rất nghiêm túc và cẩn trọng khi chọn người tài đức ra làm quan.
![]() |
Tái hiện trường thi tuyển ngày xưa tại Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương. |
Dưới triều Lý, năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên gọi là khoa thi tam trường để chọn người có kiến thức ra làm quan. Một năm sau (1076), nhà vua lại xuống chiếu thành lập trường Quốc Tử Giám, cử người có tài vào dạy, việc học có quy củ. Có thể xem đó là việc đặt nền móng cho việc điều hành đất nước qua các hình thức tuyển chọn người tài. Tùy vào từng triều đại, các chính sách tuyển dụng người có những biến đổi, dựa vào các phương thức cơ bản sau:
Khoa cử: Năm 1232, đời vua Trần Thái Tông, thí sinh đỗ được xếp thành ba giáp là đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp. Đây là tiền thân của những kỳ thi lấy tiến sĩ sau này. Đến thời Nguyễn, triều đình định rằng những người đỗ Tú tài tuổi từ 40 trở lên sẽ được vào kinh để sát hạch, ai được xếp hạng bình và hạng ưu thì được bổ làm Huấn đạo, hàm chánh bát phẩm. Người đỗ Đệ nhất giáp (tam khôi), việc bổ dụng đợi đặc chỉ, các hoàng giáp (đệ nhị giáp) và tiến sĩ đệ tam giáp cùng phó bảng lúc đầu bổ vào viện hàn lâm, sau một năm, hoàng giáp được bổ Tri phủ (tòng ngũ phẩm), tiến sĩ tam giáp bổ thự Tri phủ (chưa chính thức), phó bảng thì bổ hàm Tri huyện (tòng lục phẩm).
|
Bảo cử: là một sự bổ sung quan trọng cho phương thức tuyển bổ người làm quan. Năm 1429, vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài “hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan… Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…” (Đại Việt sử ký toàn thư - tập 3 - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1972 - trang 72).
Từ đời Hồng Đức đến thời Lê trung hưng, vua Lê Huyền Tông định rằng các quan nhị phẩm có thể tiến cử bốn người, quan từ lục phẩm đến bát phẩm được tiến cử hai người, tên được kê khai giao cho bộ Lại xét tuyển.
Sang thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã ban hành những quy định cụ thể như: các Thượng thư được tiến cử người giữ chức Bố chánh; Tham tri lục bộ và Phó Đô ngự sử được tiến cử người giữ chức Án sát; Thị lang lục bộ và ấn quan tam phẩm được tiến cử người giữ chức Tri phủ, đồng Tri phủ…
Ngoài ra, còn có phương thức Ấm phong, con của các đại thần, các quan lại có nhiều công trạng, con cháu của thân thích nhà vua, được gia phong quan tước và đặc cách sung vào các ngạch quan lại nếu có học, hạnh và trải qua những kỳ khảo hạch. Lệ khảo khóa, nhằm kiểm soát các quan lại trong việc thực hiện chức trách của họ. Vua Lê Thánh Tông quy định cứ ba năm thì sơ khảo, chín năm thì thông khảo.
Năm 1893, đời vua Thành Thái có lệ định rằng các quan lại cấp tỉnh như Bố chánh, Án sát… làm việc giỏi thì cứ đến Tết Nguyên đán được Nha Kinh lược đề nghị cho thăng trật để tưởng thưởng…
Một nguyên tắc tiến bộ thời phong kiến là Lệ hồi tỵ, để tránh tệ nạn “một người làm quan cả họ được nhờ”. Vua Lê Hiến Tông có lệ định rằng những quan chức nào có nha môn làm việc ở gần quê nhà phải đổi đi nơi khác. Vua Minh Mạng định rằng những thông phán, kinh lịch ở các trấn nếu là người bản hạt thì phải cải bổ đi hạt khác.
Lệ hồi tỵ còn quy định những người có quan hệ huyết thống hoặc họ hàng bên vợ không được làm chung một nha môn để tránh tình trạng bao che, câu kết nhau nhũng lạm hay làm các việc phi pháp khác.
Minh An
(Theo các tài liệu lịch sử)
Ý kiến bạn đọc