Cây chè là cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong sản xuất, thâm canh cây chè đã có nhiều đề tài, dự án trồng thử nghiệm một số giống chè mới, đáp ứng mục tiêu chế biến xuất khẩu chè xanh, chè đen chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mô hình trồng thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất chè an toàn; ứng dụng quy trình công nghệ sử dụng chất giữ ẩm cho đất trồng chè...
Sau 2 năm ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho 2 ha chè tại Hợp tác xã Dịch vụ - Sản xuất chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) do Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang thực hiện, sản lượng chè búp tươi đã tăng lên 20%; tiết kiệm 30% lượng nước tưới; giảm 30% chi phí chăm sóc; chủ động được thời gian bón phân, phun thuốc; chất lượng chè tốt và ổn định; cây chè cho thu hoạch quanh năm. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trước đây, khi chưa có hệ thống tưới ẩm tự động, cây chè chỉ thu hái được từ 8 đến 9 tháng/năm do phụ thuộc vào nguồn nước trời. Khi tham gia mô hình, nhờ có hệ thống tưới, hợp tác xã đã thâm canh chè được cả trong mùa đông và hiện tại hợp tác xã sản xuất chè quanh năm, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng đã được tăng lên đáng kể. Từ hiệu quả của công trình, hợp tác xã và người dân đã tự bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích tưới nước tự động từ 2 ha thử nghiệm ban đầu lên 6 ha.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải chăn nuôi lợn tại xã Đại Phú (Sơn Dương).
Không chỉ ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao năng suất chất lượng nông sản, nhiều dự án khoa học công nghệ cũng đã góp phần khôi phục, nhân giống các cây, con đặc sản như cá dầm xanh, anh vũ, cá lăng chấm, cá trắm đen, cá chình hoa; khôi phục, bảo tồn nguồn gen quý của giống vịt Minh Hương (Hàm Yên); phục tráng giống trâu ngố.
Như trong lĩnh vực thủy sản, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nuôi thương phẩm trong lồng các loài cá đặc sản như cá nheo mỹ, cá quả, cá chiên, cá lăng chấm, cá anh vũ, cá bỗng... trên hồ thủy lợi, hồ thủy điện đã mở ra triển vọng mới cho phát triển cá đặc sản của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.130 lồng cá. Đối tượng nuôi có chuyển biến rõ rệt, từ nuôi các loài cá truyền thống bằng lồng đang phát triển theo hướng tăng dần sang nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá bỗng, cá lăng chấm, cá chình hoa... chiếm khoảng 50%.
Ngoài ra, các dự án khoa học công nghệ đã góp phần cải thiện đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ứng dụng lai tạo, tuyển chọn và nhân giống cây keo có chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, chống chịu bệnh và biện pháp kỹ thuật trồng rừng keo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về gỗ nguyên liệu phục vụ nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh…
Theo đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trong những năm qua nhiều dự án khoa học của tỉnh đã được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đề tài, dự án đã nghiên cứu thành công đưa ra nuôi, trồng đại trà các loại giống cây, con mới; áp dụng công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên các đề tài, dự án có khả năng ứng dụng cao, tránh tình trạng các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu đưa vào áp dụng thực tế không mang lại hiệu quả, gây lãng phí ngân sách và giảm niềm tin của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết