Thủ tướng Cabo Verden Ulisses Correia e Silva (bên phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi được tổ chức vào cuối năm 2022, đây là thời điểm hai bên đánh giá lại kết quả thực hiện sau hàng loạt cam kết đã đề ra.
Theo đó, Mỹ dành 55 tỷ USD cho châu Phi trong giai đoạn 2023-2025 để giải quyết các vấn đề phát triển, tăng trưởng kinh tế, y tế, an ninh và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Washington tuyên bố sẽ cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi.
Hai bên cũng ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thành lập một khu vực thương mại tự do liên lục địa giữa Mỹ và châu Phi (AfCFTA). Đây sẽ là một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mở ra nhiều cơ hội mới cho giao thương và đầu tư, tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường châu Phi có quy mô 1,5 tỷ người với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 3,4 nghìn tỷ USD.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa khẳng định các cam kết nhằm tăng tốc quan hệ đối tác với châu Phi trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, trọng tâm là hợp tác kinh tế và các dự án của Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại song phương, tạo việc làm và giúp Lục địa Đen trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh dựa trên các giá trị chung như tôn trọng nhân quyền, thúc đẩy dân chủ và mở rộng pháp quyền, đặc biệt là nêu bật các biện pháp với tình hình khu vực Tây Phi thông qua các chính sách: Chiến lược ngăn chặn xung đột và thúc đẩy ổn định; quan hệ đối tác của Mỹ với Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) để giải quyết các thách thức khu vực; nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ lãnh đạo châu Phi trong việc giảm căng thẳng và áp dụng các giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở miền Đông Congo.
Cũng liên quan tới chủ đề về an ninh, Bờ Biển Ngà và Nigeria hiện là hai quốc gia Tây Phi phải ứng phó với nhiều nguy cơ bất ổn khi đảo chính liên tục xảy ra ở các nước lân cận thuộc vùng Sahel, gồm Mali, Burkina Faso, Guinea và Niger.
Mặc dù Pháp và châu Âu đã đưa quân tới hỗ trợ ổn định an ninh suốt 10 năm qua, song vẫn chưa thể trấn áp được các nhóm vũ trang ở khu vực. Quân đội các nước Tây Phi cũng chưa thật sự vững mạnh để đối phó với các tổ chức khủng bố và cực đoan.
Theo kế hoạch, hàng nghìn binh sĩ Pháp và hàng trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali, Burkina Faso, Niger đã rút về nước trong vòng hai năm qua. Điều này tạo ra một khoảng trống an ninh khiến cộng đồng thế giới vô cùng lo ngại.
Để hỗ trợ Bờ Biển Ngà và các nước láng giềng ngăn chặn xung đột và thúc đẩy sự ổn định trong bối cảnh các mối đe dọa tại khu vực gia tăng, Mỹ có kế hoạch cung cấp thêm 45 triệu USD, nâng tổng số kinh phí tập trung vào ổn định vùng duyên hải Tây Phi lên gần 300 triệu USD, kể từ năm 2022.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một số thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại với khu vực châu Phi, nhằm củng cố và nâng cao hình ảnh, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Các hoạt động ngoại giao cấp cao, hội nghị thúc đẩy hợp tác và chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken lần này đều hướng tới mục tiêu "tăng tốc” trên đường đua vào châu lục nghèo nhất thế giới.
Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ sẽ vấp phải rào cản từ Nga và Trung Quốc - hai nước từng ủng hộ và giúp đỡ các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nhiều năm qua, các nước châu Phi vẫn coi Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược quan trọng trong nhiều lĩnh vực và có vai trò nổi bật ở khu vực này.
Do đó, để có được kết quả cụ thể, Mỹ cần phải có nhiều thời gian để đạt được sự tin tưởng vững chắc của các nước châu Phi. Nói theo cách khác, Mỹ khó rút ngắn khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực trong "một sớm một chiều".
Gửi phản hồi
In bài viết