Người dân tại trại tị nạn ở Qala-i-Naw, tỉnh Badghis (Afghanistan). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Năm 2021, sau khi Taliban tiến vào thủ đô Cabun và giành quyền kiểm soát đất nước, hàng trăm nghìn người Afghanistan đã chen chúc trên các chuyến bay sơ tán rời quê hương. Hai năm đã trôi qua, tình trạng người dân quốc gia Nam Á này chạy trốn bạo lực và đói nghèo vẫn tiếp diễn.
Hãng tin CBS News cho biết, tại biên giới với Pakistan, hằng ngày vẫn có hàng nghìn người Afghanistan xếp hàng chờ được đóng dấu vào hộ chiếu để rời đất nước. Hình ảnh người tị nạn bị ngất khi chen chúc cả ngày trong dòng người đông đúc, giữa thời tiết nắng nóng đã trở nên phổ biến tại khu vực biên giới này.
Yousafkhel Jabar Khan, một người tị nạn 45 tuổi, bày tỏ hy vọng không bao giờ phải quay trở lại cuộc sống như trước đây. Yousafkhel Jabar Khan chỉ là một trong số hàng triệu người dân Afghanistan buộc phải tha hương để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong hai năm qua, hơn 1,6 triệu người Afghanistan đã rời khỏi đất nước. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh, đây là một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn và kéo dài nhất trong 70 năm qua.
Đói nghèo, bạo lực là những nguyên nhân chính buộc người dân Afghanistan phải lựa chọn rời bỏ quê hương. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, Afghanistan đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện có tới 28,3 triệu người Afghanistan (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ, tăng mạnh so mức 24,4 triệu người vào năm 2022 và 18,4 triệu người hồi đầu năm 2021. Theo UNHCR, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất với khoảng 875.000 trẻ suy dinh dưỡng nặng.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi 80% số hộ gia đình bị giảm thu nhập khi Afghanistan bước sang năm thứ 3 hạn hán liên tiếp. Do gần như không có hệ thống thủy lợi, Afghanistan dựa hoàn toàn vào tuyết tan trên những ngọn núi để lấp đầy nước tại sông suối và tưới tiêu. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu, lượng mưa và tuyết giảm đã khiến nhiều con sông cạn kiệt. Hạn hán kéo dài đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia vốn có 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến từ nông nghiệp.
Ngoài ra, theo Liên hợp quốc, Taliban lên nắm quyền với cam kết không để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn của những kẻ khủng bố quốc tế, song các vụ tiến công đẫm máu vẫn xảy ra. Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) nhấn mạnh, những thách thức an ninh tiếp tục tồn tại. Hơn 1.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom và bạo lực kể từ năm 2021 đến nay.
Bên cạnh đói nghèo và bạo lực, quyền của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan cũng là một trong những vấn đề gây nhức nhối. Tại Afghanistan, phụ nữ bị cấm tham gia hầu hết công việc và không được học đại học, trong khi phần lớn trường trung học dành cho nữ sinh bị đóng cửa, nhiều biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của nữ giới được áp đặt.
Từ tháng 8/2021 đến nay, ít nhất 50 sắc lệnh hạn chế cơ hội và quyền tự do dân sự của phụ nữ đã được ban hành. Đỉnh điểm hồi tháng 4 vừa qua, phụ nữ Afghanistan bị cấm làm việc cho phái bộ của Liên hợp quốc tại nước này.
Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahous nhấn mạnh, các biện pháp hạn chế nêu trên có thể khiến khoảng 2 triệu phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề, đồng thời khoét sâu thêm những vết thương vốn khó lành trong xã hội Afghanistan.
Giới phân tích nhận định, quy định hà khắc đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nguồn viện trợ nước ngoài vào Afghanistan bị gián đoạn.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), dòng viện trợ nước ngoài bền vững, lên tới 3,7 tỷ USD vào năm 2022, đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Afghanistan. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết hiện chỉ huy động được gần 25% trong số 3,23 tỷ USD cần thiết cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan trong năm nay. Con số này không đủ để duy trì cứu trợ cho quốc gia có phần lớn số dân sống trong cảnh nghèo đói.
Theo Liên hợp quốc, về mặt tích cực, trong hai năm qua, tình trạng tham nhũng tại Afghanistan đã được hạn chế; lệnh cấm trồng cây thuốc phiện được ban hành khiến hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình hình an ninh, quyền của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này vẫn là những đám mây đen phủ bóng lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Afghanistan.
Gửi phản hồi
In bài viết