Hàng triệu người dân Afghanistan đã di cư để thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Đặc phái viên của Điện Kremlin tại Afghanistan Zamir Kabulov cảnh báo phương Tây rằng, việc phong tỏa tài sản có thể khiến hàng nghìn gia đình Afghanistan “chạy sang châu Âu trong mùa Đông này”. Theo ông Zamir Kabulov: “Phương Tây sợ các luồng di cư. Vì vậy, hãy khơi thông nguồn tiền của Afghanistan. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để hàng trăm nghìn gia đình Afghanistan không phải rời bỏ đất nước”.
Afghanistan là một trong những quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nhiều nhất trên thế giới. Các nhà tài trợ đã đầu tư 65 tỷ USD cho Kabul kể từ năm 2002. Viện trợ chiếm khoảng 40%tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 3/4 chi tiêu của Chính phủ bao gồm chi trả lương cho giáo viên và nhân viên y tế, xây dựng trường học và phòng khám sức khỏe, cơ sở hạ tầng. Các chương trình viện trợ này đã mang lại kết quả tích cực. Có hơn 9 triệu trẻ em ở Afghanistan đang đi học, gấp 9 lần con số khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, trong đó có 3,6 triệu trẻ em gái. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong giảm từ 191 ca xuống còn 50 ca trên 1.000 ca mỗi năm trong giai đoạn 2006-2018.
Tuy nhiên sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan từ giữa tháng 8-2021, quốc gia phụ thuộc vào viện trợ đã bị cắt khỏi các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi gần 10 tỷ USD tài sản của họ bị Mỹ đóng băng. Đồng thời các ngân hàng tại Afghanistan có nhiều hạn chế trong thanh khoản tức thời khiến Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã ngừng hỗ trợ tài chính cho các đơn vị này.
Việc các quốc gia và tổ chức quốc tế rút viện trợ trở thành mối nguy hiểm đối với Afghanistan. Hàng trăm trạm y tế và trường học đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Quỹ ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) do Ngân hàng Thế giới quản lý ngừng hoạt động, nguồn tài chính lớn nhất cho các dịch vụ cơ bản đã cạn kiệt. Hàng triệu người không có việc làm. Viện trợ cắt giảm, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và động thái đóng băng tài sản của IMF, đã làm giảm thanh khoản, đẩy giá cả tăng vọt. Sự thiếu hụt kinh phí đã biểu hiện thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
Theo báo cáo gần đây của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, hơn một nửa dân số của Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói cấp tính và 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Điều này buộc hàng triệu người phải lựa chọn giữa di cư và chết đói. Tại cuộc họp đặc biệt nhân Ngày quốc tế Người di cư của Liên hợp quốc ngày 18-12-2021, các quan chức cấp cao của chính quyền Taliban đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế nhằm tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc di cư khác từ Afghanistan.
Những tác động tích lũy của một cuộc xung đột kéo dài, hạn hán do biến đổi khí hậu ở các vùng nông thôn, gián đoạn hoạt động kinh tế ở các khu vực thành thị và các tác động kinh tế - xã hội khác của dịch Covid-19 đã dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng cho người dân Afghanistan. Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đang cố gắng điều chỉnh các lệnh trừng phạt để cung cấp viện trợ cần thiết cho quốc gia Tây Nam Á này. Việc áp dụng các lệnh trừng phạt viện trợ có thể khiến hàng triệu người dân Afghanistan bị tổn thương. Và điều này có thể sẽ dẫn đến một cuộc di cư, bất ổn xung đột và hơn nữa, “bóng ma” khủng bố có thể trỗi dậy từ quốc gia này.
Gửi phản hồi
In bài viết