Cựu chiến binh Trần Văn Qua.
Năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng CCB Trần Văn Qua, hội viên Chi hội CCB thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) vẫn miệt mài lao động sản xuất, mở rộng trang trại, đầu tư mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây màu, cây ăn quả. Ông là tấm gương sáng của CCB vượt khó vươn lên, làm giàu trên đồng đất quê hương.
Ngôi nhà 2 tầng của ông Qua cách trung tâm xã chừng 2km, bốn bề được bao phủ bởi một màu xanh cây ăn trái. Dẫn chúng tôi thăm một vòng trang trại, CCB Trần Văn Qua kể về cơ duyên ông lập nghiệp ở mảnh đất Nà Coóc.
20 tuổi, ông Qua nhập ngũ, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. 3 năm trong quân ngũ, năm 1989, ông xuất ngũ trở về xã Vinh Quang lấy vợ sinh con. Bố mẹ nghèo, lại đông anh em, nên khi lập gia đình ông cũng chỉ có duy nhất miếng đất ở cùng trăm mét đất vườn trồng mía.
Ông suy nghĩ, ở nông thôn, không có nghề, đất sản xuất lại ít thì không thể khá lên được. Vợ chồng ông quyết định rời quê, chuyển lên thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang mua đất lập nghiệp.
Ban đầu, vợ chồng ông mua được một khu đất rộng chừng 1 ha vừa làm nhà ở, vừa trồng cây sả kiếm cơm. Năm 1993, vợ chồng ông chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Chưa hài lòng với những gì đạt được, bởi vậy, hễ kiếm dư được chút vốn, vợ chồng ông đều gom góp mua thêm đất sản xuất. Sau hơn 20 năm lập nghiệp trên quê mới, giờ đây, vợ chồng ông đã xây dựng được một trang trại khép kín rộng trên 4 ha, với các loại cây, như sơn, xoan cùng các loại cây ăn quả nhãn, xoài, bưởi da xanh, hồng ngâm.
Ông bảo: “Tấc đất tấc vàng”, còn đất bán ông vẫn sẽ mua thêm”. Ngoài trồng cây ăn quả, ông dành gần 2.000 m2 đất ruộng trồng các loại cây màu, như: dưa lê, dưa bở, mướp ngọt, bí xanh... Mùa nào thức nấy, bốn mùa trong năm, gia đình ông đều có nguồn thu nhập từ bán hoa quả, rau màu. Các loại cây trồng tại trang trại đều được gia đình ông sản xuất theo hướng an toàn sinh học, nói không với thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Ngoài việc trồng, chăm sóc hoa màu, vợ chồng ông có thêm nghề làm đậu phụ. Mỗi ngày 2 vợ chồng ông dậy từ 3 giờ sáng nghiền đỗ, sản xuất 60 kg đậu phụ giao các quán ăn, tạp hóa. Ông Qua bảo, làm đậu tuy hơi vất vả, nhưng bù lại gia đình lãi được số bã để chăn đàn lợn. Trong chuồng gia đình ông lúc nào cũng có từ 15 - 20 con lợn thịt và lợn mẹ sinh sản, bình quân mỗi năm xuất từ 2 - 3 tấn lợn hơi. Từ một hộ khó khăn, lo ăn từng bữa, đến nay, gia đình ông Qua đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế VCR của CCB Trần Văn Qua là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu ở xã, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển VACR nói chung cũng như trong phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi ở địa phương nói riêng.
Gửi phản hồi
In bài viết