Số ca mắc tăng nhanh
Trên địa bàn tỉnh phát hiện ca mắc SXH đầu tiên vào cuối tháng 7, sau đó tiếp tục tăng cao trong tháng 8 và tăng mạnh nhất là trong 1 tuần trở lại đây, với trên 120 ca mắc. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết ngày 14-9, toàn tỉnh ghi nhận 316 ca mắc SXH, trong đó, thành phố Tuyên Quang là 310 ca, huyện Yên Sơn 2 ca, Hàm Yên 2 ca; Na Hang 1 ca và huyện Sơn Dương 1 ca. Thành phố Tuyên Quang là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất. Đến nay thành phố đã ghi nhận 310 ca mắc SXH tại 14/15 xã, phường, trong đó phường Tân Quang là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 168 ca, phường Minh Xuân 50 ca, phường Phan Thiết 32 ca... Hiện có phường Mỹ Lâm là chưa ghi nhận ca mắc nào.
Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những ngày đầu tháng 9, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tăng cao. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã phát động chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cỗng rãnh; tăng cường công tác truyền thông trên các kênh thông tin bằng nhiều hình thức như: Đăng tải trên website, trên mạng xã hội, qua loa đài, truyền thông trực tiếp tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện nay công tác tuyên truyền về bệnh SXH ở một số địa phương còn chưa tốt, chưa hiệu quả đặc biệt là trên địa bàn thành phố. Vì vậy, ý thức phòng bệnh của người dân chưa được nâng cao.
Cán bộ y tế thành phố phun khử khuẩn hộ gia đình có ca mắc SXH.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, Phòng khám Đa khoa Hoàng Việt (TP Tuyên Quang), những ngày qua mỗi ngày tiếp đón hàng chục người đến khám và điều trị bệnh SXH. Đa số các bệnh nhân đến khám có triệu chứng như sốt cao 39 - 40oC kèm theo tình trạng đau đầu, mỏi người. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tính từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận trên 50 trường hợp bệnh nhân mắc SXH vào điều trị tại khoa. Bác sỹ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm song thường gia tăng vào mùa mưa, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Các biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với sốt phát ban do vi rút, tay chân miệng, sốt rét... Vì vậy, người dân không nên tự ý uống thuốc mà cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị.
Thiếu sự chủ động, tự giác của người dân
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự phòng chủ động phòng, chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh này (SXH là bệnh do véc tơ truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh). Với phương châm “Không có muỗi vằn, không có lăng quăng (bọ gậy), không có SXH”, thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực vào cuộc nhưng lực lượng chính góp phần hoàn thành mục tiêu trong phòng chống SXH là người dân lại chưa phát huy hết vai trò.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên trung tâm đã tăng cường phối hợp với các địa phương có ca mắc SXH phải thực hiện công tác giám sát, điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hộ gia đình thờ ơ, đứng ngoài cuộc khi chính quyền phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách thau rửa chum nước.
Tham gia đoàn giám sát thực tế tại hộ gia đình có người mắc bệnh SXH tại tổ 5, phường Tân Quang và các hộ gia đình xung quanh ca bệnh, theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh một số hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, vẫn còn những hộ gia đình chưa chủ động trong việc diệt lăng quăng tại chính ngôi nhà của mình. Bên ngoài nhà vẫn còn nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng và cả những vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Điển hình như các vật dụng chứa nước không có nắp đậy, quanh nhà vẫn để cây mọc rậm rạp.
Chính sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác giữ gìn vệ sinh tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân là khó khăn lớn trong công tác phòng, chống bệnh SXH.
Chị Trần Phương Thảo, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) vừa bình phục sức khỏe sau thời gian điều trị bệnh SXH ở bệnh viện về đã tích cực cùng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống nguy cơ mắc bệnh dưới sự tuyên truyền, tư vấn của cán bộ y tế địa phương. Chị Thảo cho biết: “Tôi và gia đình không còn chủ quan trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh SXH như trước mà sẽ tập thói quen thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, khơi thông cống rãnh, vứt hoặc lật úp những dụng cụ chứa nước không cần thiết. Đồng thời thường xuyên thay nước bình hoa chậu cảnh, đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt của gia đình và ngủ màn… để diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt mầm bệnh gây dịch bệnh SXH”.
Hiện nay, biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh SXH vẫn là đề phòng muỗi đốt, chú trọng diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên, tránh để dịch lan rộng. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế thì ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch SXH.
Gửi phản hồi
In bài viết