Hướng về nguồn cội
Ngôi nhà nhỏ nằm cạnh sườn núi của gia đình cụ Trương Thị Đường, 100 tuổi mang những nét đặc trưng của người Dao. Nhà thấp, bước qua bậc thềm vào nhà là bàn thờ truyền thống được bố trí giữa nhà. Tuy tuổi cao nhưng cụ Đường rất minh mẫn. Nhâm nhi chén trà cụ trò chuyện với chúng tôi về con đường lập nghiệp của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Ban đầu chỉ có 3 hộ từ tỉnh Quảng Ninh lên đây khai hoang nhưng người dân vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ nhà ở, cho đến thờ cúng, nghi lễ. Đối với người Dao, việc thờ cúng luôn được đặc biệt chú trọng, vì vậy, các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì. Giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng đồng thời đồng bào Dao nơi đây luôn có sự điều chỉnh để dung hòa giữa bản sắc văn hóa truyền thống và nếp sống văn hóa, văn minh hiện đại.
Bà Đặng Thị Nguyên, 87 tuổi, thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) dạy nghề thêu trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ của thôn.
Theo các bậc cao niên trong thôn, khác với người Kinh, đồng bào dân tộc Dao nơi đây sẽ ăn Tết bắt đầu từ 20 tháng Chạp âm lịch và ngày Rằm tháng Giêng đối với họ rất quan trọng. Bà Đặng Thị Nguyên, 87 tuổi nói: “Đối với người Dao chúng tôi những ngày đó thì mâm cỗ cúng tổ tiên là điều riêng biệt nhất. Vì mâm cỗ sẽ được chuẩn bị nhờ chính những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ những thực phẩm chăn nuôi hàng ngày gần gũi như con gà, lợn, vịt, ngan, rồi đến gạo nếp, gạo tẻ, quả cam, trái bưởi. Những món bánh làm từ gạo nếp và nhân bánh có đường đen, quyện sánh lại với nhau. Các khay giấy màu xếp tượng trưng cho vàng, bạc, được chị em phụ nữ bày biện thành mâm cỗ cúng đặc sắc, mang ý nghĩa hướng về nguồn cội. Những sản vật này được người Dao gửi gắm với mong ước tổ tiên phù hộ cho mùa màng thuận lợi, con cháu phúc lộc đầy nhà. Ngày nay, mặc dù xã hội phát triển, nhưng các bà, các mẹ trong thôn luôn luôn hướng dẫn, truyền dạy các con của mình, nhất là con gái phải biết cách bày biện mâm cỗ ngày Tết cho sao thật đẹp, khéo léo, tinh tế. Đó chính là nét đẹp văn hóa được người Dao luôn giữ gìn cho thế hệ mai sau.
Lưu truyền cho mai sau
Thôn Tân Lập hiện có 123 hộ, 499 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Để gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa về phong tục tập quán, trang phục, nghề thêu, tiếng nói... bà con trong thôn đã thành lập câu lạc bộ (CLB) gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y
Một tiết mục văn nghệ của CLB gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) trong Ngày hội Văn hóa.
Anh Đặng Đức Cần, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB được thành lập từ năm 2019 đến nay, với 30 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt một buổi tại nhà văn hóa thôn. Tất cả các thành viên là những người có khả năng truyền thụ những bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, có niềm đam mê học tập và biểu diễn văn hóa, văn nghệ như: Sáng tác, hát, múa, ngâm thơ, đặc biệt là các nghi thức xin dâu, hát giao duyên, lễ se tơ hay nghi thức níu giữ cô dâu, đồng thời truyền dạy cho nhau cách thêu thùa các bộ trang phục dân tộc.
Đang dạy nghề thêu thùa trang phục truyền thống cho các thành viên trẻ của CLB, bà Đặng Thị Nguyên cho biết: “Trang phục người Dao Thanh Y rất độc đáo, ấn tượng và sắc nét. Chúng tôi quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống, ngoài ra còn mang thêm năng lượng, hơi ấm nơi núi rừng nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần, áo, khăn, thường là hình quả trám, hoa lá, cây cối, chim muông... với ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ người Dao luôn phải có ý thức sống hòa hợp thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên”.
Trước đây, ngày nào người Dao cũng mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình, nhưng giờ họ chỉ mặc vào dịp lễ, Tết để thuận tiện cho lao động sản xuất và công việc đồng áng. Tất cả trang phục, quần áo, khăn mũ... đi lễ du xuân đều do các chị em tự tay thêu. Điều đáng trân trọng thế hệ trẻ hôm nay đã ý thức hơn về bản sắc dân tộc, họ hăng say học tập, giữ gìn, tiếp nối nghề thêu từ đời này sang đời khác.
Một buổi luyện tập hát giao duyên của CLB gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).
Chị Đặng Thị Sinh là thành viên đầu tiên tham gia vào CLB. Chị chia sẻ, là người biết một số điệu hát đối đáp giao duyên, chị cùng các thành viên của CLB truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ, lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình qua các điệu múa, câu hát và cách thêu những bộ trang phục dân tộc, để góp phần lưu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một.
CLB thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ và tham gia các hội diễn do xã tổ chức trong các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Các thành viên trong CLB cùng nhau sưu tầm các câu đối, làn điệu hát từ các bậc cao niên của thôn truyền lại.
Đồng chí Trương Văn Mạnh, Trưởng thôn cho biết: “Tự hào nhiều lắm vì đồng bào mình luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, 100% người dân vẫn gìn giữ tiếng nói, trang phục, hát dao duyên... Nhiều phụ nữ và trẻ em biết thêu trang phục truyền thống.
Rời Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) khi mặt trời đã khuất núi, chúng tôi nhận thấy vùng đất của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y đang từng ngày đổi thay. Việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa nơi này không chỉ là lưu giữ truyền thống bao đời của người Dao mà còn góp phần bảo tồn, lưu truyền mạch nguồn văn hóa, tài sản quý báu của cha ông đến thế hệ mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết