Người đứng đầu đổi mới lề lối, tác phong làm việc

- Quy định số 101 của BCH Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nội dung quy định về tác phong làm việc của cán bộ cần phải sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Vì vậy việc đổi mới lề lối tác phong làm việc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của đội ngũ cán bộ chủ chốt là yêu cầu cần thiết, góp phần tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong tập thể. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Năm 2023, Đảng bộ phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) được Đảng bộ thành phố lựa chọn thực hiện điểm mô hình “đảng bộ 4 tốt”, đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, đồng chí Đào Quang Hậu luôn xác định bản thân phải đổi mới lề lối, tác phong trong công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đi đôi với giao và phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, đồng chí Hậu thường xuyên kiểm soát chất lượng, tiến độ công việc, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc tham mưu đối với lãnh đạo.

Trong tác phong của người lãnh đạo, hàng năm, đồng chí Hậu đã lựa chọn những công việc trọng tâm, cụ thể để tập trung lãnh đạo thực hiện và tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đối với những việc có vướng mắc, khó khăn, anh luôn gợi mở, tạo điều kiện để cán bộ, công chức có thể giải quyết được vấn đề. Với tác phong làm việc khoa học của người đứng đầu, mặc dù hiện tại công chức của phường còn thiếu do có công chức nghỉ ốm và biệt phái nhưng các công việc của phường vẫn diễn ra suôn sẻ.  Năm 2023, thu ngân sách của phường đạt trên 5,5 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao, là năm thứ ba liên tục phường tự cân đối thu chi ngân sách.

Đồng chí Nguyễn Thượng Khanh, Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận chuyển thuộc Bưu điện tỉnh (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nhân viên xử lý bưu phẩm.

Sáu năm làm Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận chuyển, thuộc Đảng bộ Bưu điện tỉnh, đồng chí Nguyễn Thượng Khanh đã không ngừng đổi mới lề lối, tác phong làm việc theo hướng sâu sát công việc, gắn bó, gần gũi với nhân viên, người lao động để lãnh đạo và điều hành, không bỏ sót, tồn đọng công việc. Anh Khanh chia sẻ: “Trung tâm là đầu mối của tỉnh được giao nhận trên toàn mạng lưới về lĩnh vực vận chuyển bưu chính trong nước và quốc tế. Bởi vậy, trung tâm đã có những biện pháp cải tiến trong khâu chia chọn, phân hướng đóng mở, giao nhận với đường thư cấp I, II, III, không để xảy ra tình trạng lạc hướng hay nhầm lẫn các dịch vụ. Để làm được điều này, bản thân mình luôn phải sâu sát với từng công đoạn, quy trình từ khâu tiếp nhận tới khâu khai thác, khâu phát, giao dịch”.

Trung tâm có 37 người lao động, trong đó có 25 lao động hợp đồng, còn lại là lao động thuê khoán. Quản lý lực lượng người lao động thường có sự thay đổi, anh Khanh không chỉ sâu sát với từng khâu, từng công đoạn mà còn sâu sát với công việc của từng người lao động để nhiệt tình hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ người lao động mới vào làm việc để họ bắt nhịp nhanh với công việc. Với tác phong của anh đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tạo ra khí thế làm việc hăng hái trong Trung tâm. Nhiều năm liên tục, doanh thu tính lương của trung tâm đều vượt kế hoạch giao. Năm 2023, qua đánh giá, chi bộ Trung tâm Khai thác vận chuyển đạt chi bộ 4 tốt.

Là Trưởng khoa Điện - Điện tử - Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - công nghệ, đồng chí Phạm Xuân Sơn đã gương mẫu đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu vào giảng dạy. Cá nhân anh vừa quản lý khoa vừa trực tiếp giảng dạy, nên anh đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để từ đó khích lệ cán bộ, giảng viên trong khoa sáng tạo, nghiên cứu. Trung bình, mỗi năm, khoa có ít nhất từ 2 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về chế tạo thiết bị, phương tiện dạy học được công nhận và đưa vào ứng dụng. Năm 2023, khoa có 3 nghiên cứu và thiết bị được đưa vào dạy học.

 Anh Sơn cho biết: “Nếu để được trang cấp thì rất tốn kém về kinh phí nên chúng tôi luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để tự sáng tạo, nghiên cứu và làm các thiết bị dạy học. Kinh phí do nhà trường hỗ trợ. Với cách làm này, các thiết bị dạy học sẽ sát với nội dung của môn học hơn mà chi phí cũng tiết kiệm được nhiều”.

Ngoài giờ lên lớp, anh Sơn và các đồng nghiệp dành thời gian chế tạo các thiết bị dạy học, có khi anh ngồi lại lớp học với các thiết bị điện, điện tử để nghiên cứu quên cả giờ ăn. Niềm đam mê và yêu nghề trong anh đã khơi dậy niềm đam mê với các cán bộ, giảng viên trong khoa. Nhiều năm, khoa Điện - Điện tử - Công nghệ thông tin có giảng viên đạt giải cao tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và có giảng viên được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Từ thực tế trên cho thấy, tác phong, lề lối làm việc của người đứng đầu có tác động lớn đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nếu người đứng đầu thực sự gương mẫu, quyết liệt, hành động sáng tạo, có tác phong làm việc khoa học, sâu sát thực tế, gần gũi với quần chúng, trước hết là trong tổ chức cơ quan, đơn vị công tác thì sẽ tạo sức lan tỏa, là động lực để cả tập thể cố gắng vươn lên, bởi vai trò của người đứng đầu như là “đầu tàu”. Đổi mới tác phong, lề lối làm việc của người đứng đầu để phù hợp với thực tiễn chính vì lẽ đó là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục