Ông Lưu Đình Tấn |
Duyên với việc nghĩa
Ông Tấn sinh năm 1952. Ngày nhỏ chàng trai Lưu Đình Tấn có biệt tài bơi tốc độ và khả năng lặn sâu gấp đôi so với người thường, việc ông lặn xuống sông “mò cá” trong các khe đá là điều không hề khó gặp, ông được bạn bè cùng trang lứa gọi là “người nhái”.
Sau nhiều năm công tác ở ngành Kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, khi về hưu ông định cư tại tổ dân phố 10, thị trấn Na Hang. Vốn là người ham bơi lội, như thói quen, ngày nào ông cũng dành thời gian đi bơi và cũng có duyên cứu được nhiều người gặp nạn trên sông Gâm.
Năm 2005, sau khi Hội chữ thập đỏ Na Uy có chuyến khảo sát về nguy cơ tai nạn trên sông nước, cuối năm đó, Đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Gâm được thành lập gồm 30 thành viên, ông Tấn vinh dự được bầu là đội trưởng. Nói là đội nhưng thực chất các thành viên đều là người lao động tự do, tuổi đời từ 18 đến 70, có chung sở thích bơi lội và luôn mong muốn làm việc thiện giúp đỡ mọi người.
Ông kể: Nhớ nhất năm 2007, có vụ tai nạn dưới chân đập thủy điện, anh X. đang câu cá thì đúng lúc thủy điện bắt đầu xả nước theo quy định, do trượt chân anh bị ngã xuống sông. Sau khi nghe tin, ông cùng cả đội mất 2 ngày tìm kiếm. Với linh cảm của người nhiều năm sông nước, ông Tấn tự mình lặn xuống và tìm thấy thi thể anh X. tại cách nơi xảy ra tai nạn chừng 200m. “Đó là vụ đầu tiên của đội sau khi thành lập và cũng gây ấn tượng mạnh với tôi và mọi người” - ông Tấn kể.
Năm 2017, trên hồ sinh thái Na Hang xảy vụ tai nạn đuối nước. Nhiều ngày tìm kiếm không có hiệu quả, mối nguy hiểm khi nạn nhân trôi vào tua bin của nhà máy thủy điện thường trực từng giờ. Lúc này gần cuối giờ chiều, ông Tấn nảy ra suy nghĩ dùng lưỡi câu kéo dọc mặt hồ chỗ xảy ra tai nạn, cuối cùng ông cũng thành công.
Đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Gâm hướng dẫn trẻ em cách đề phòng đuối nước.
17 năm làm nghề cứu hộ, cứu nạn trên dòng Gâm, ông Tấn không nhớ mình đã vớt bao nhiêu người bị nạn và cứu được bao nhiêu người bị đuối nước trên sông.
Ông Vy Thế Lân năm nay đã hơn 60 tuổi nhớ lại: Ông tham gia Đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Gâm từ những ngày đầu, hầu như năm nào trên sông cũng xảy ra từ 3 đến 4 vụ tai nạn và đều có sự vào cuộc của đội. Công việc vất vả, nhưng mọi người đều nhìn sự cống hiến vì việc chung của người đội trưởng Lưu Đình Tấn mà cố gắng hoàn thành.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, người trẻ nhất đội, sinh năm 1992 nhưng đã có thâm niên gần 5 năm tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn cho biết: Đội hiện nay chỉ còn 25 thành viên nhưng tất cả đều có chung 1 suy nghĩ là giúp đỡ những gia đình bị nạn trên sông, đâu có việc là chúng tôi lên đường. Câu chuyện gác bỏ việc gia đình sang 1 bên để lo việc chung không phải là chuyện hiếm. Đồng thời có sự chỉ dạy của ông Tấn, nên ai cũng thấy yêu mến công việc đang làm và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Trăn trở về tương lai
Tôi hỏi, làm sao ông có thể chỉ huy mọi người hoàn thành mọi nhiệm vụ trong 17 năm mà không để xảy ra sai sót. Ông Tấn cười và bảo: Đó là tâm và lý, “tâm” là đánh thức chữ “tâm” trong mỗi con người, làm việc thiện không vì vật chất. Còn “lý”, ông bảo đó là lý lẽ, bởi chỉ huy mấy chục con người, đều là lao động tự do, mỗi người 1 tính, không khéo, không linh hoạt sẽ gây tâm lý tự ái, chống đối không tham gia...
Ông Lưu Đình Tấn (đứng giữa) tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Ông Tấn coi công việc cứu người là nghiệp, bởi gắn bó với công việc gần 20 năm, ông hiểu rủi ro với nghề sông nước nguy hiểm đến nhường nào. Cũng chính vì vậy, ông Tấn đang là tuyên truyền viên tích cực trong việc hướng dẫn mọi người sử dụng áo phao, đồ bảo hộ khi di chuyển trên sông.
Đồng chí Lê Quang Uyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Na Hang cho biết: Mỗi năm đội của ông Tấn đều ủng hộ cho MTTQ trên chục chiếc phao cứu sinh để phát cho các cá nhân làm nghề chở đò trên dòng Gâm. Ông Tấn cũng là tuyên truyền viên tích cực trong việc chỉ dẫn khách du lịch có ý thức mặc áo phao để đảm bảo an toàn khi tham quan lòng hồ thủy điện...
Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ thuyền chở khách Hưng Thoa cho biết: Là người mẫn cán, gần như tuần nào ông Tấn cũng nhắc nhở anh em chạy thuyền du lịch nhắc nhở khách mặc áo phao khi di chuyển, mỗi khi có việc đột xuất xảy ra, bất kể thời gian nào đội ông Tấn đều có mặt và đều tham gia hết sức mình.
Bên chén trà thơm mùi sương núi, ông Tấn tâm sự: Ông giờ tuổi cũng đã cao, chân tay đã chậm dần, nhưng việc cứu hộ, cứu nạn thì vẫn phải duy trì. Trăn trở lớn nhất của ông là tìm lớp người kế cận, bởi thành viên trong đội đến nay còn 25 người thì có 20 người có tuổi đời trên 50. Ông bảo, dù có thế nào đi nữa, ông tin làm việc thiện sẽ luôn có người đồng hành, nên tìm người thay thế biết là khó nhưng rồi sẽ có mà thôi. Ông cũng mong chính quyền sẽ có những chính sách giúp đỡ anh em trong đội có động lực để phấn đấu, nhiều khi không phải là vật chất mà đó chỉ là sự động viên để ai cũng cảm thấy tự hào về công việc đang làm.
Gửi phản hồi
In bài viết