![]() |
Tiếp nối truyền thống của thế hệ sinh viên Văn khoa, đêm kịch Khoa Văn lần thứ 15 đã diễn ra thành công. |
Tối 19/4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trở thành không gian nghệ thuật đặc biệt. “Chuyện xưa chưa kể” - chủ đề của đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 - không chỉ tái hiện văn học dưới lăng kính trẻ trung, mà còn cho thấy tiềm năng kết nối giữa nghệ thuật, giáo dục và bản sắc văn hóa dân tộc qua sáng tạo của người trẻ.
Những câu chuyện cổ tích tưởng như đã lùi xa trong ký ức như "Tấm Cám", "Sự tích hoa cúc trắng", "Sự tích dưa hấu" hay những truyện dân gian châu Âu lại được đánh thức bằng ngôn ngữ sân khấu hiện đại và cảm xúc tươi mới của thế hệ sinh viên hôm nay.
Không bó hẹp trong không gian sinh hoạt nội bộ, đêm kịch Khoa Văn năm nay mở rộng quy mô, thu hút sinh viên từ nhiều đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đơn vị đào tạo khác. Các đội tham gia như Đông Du Văn nghệ, Cay Ngọt, câu lạc bộ Kịch Sân khấu, K69 Điện ảnh, HDC HUS… không chỉ mang đến những sắc thái biểu diễn đa dạng, mà còn chung tinh thần: làm mới văn học dân gian bằng những kịch bản được dày công chuyển thể, lối diễn xuất dung dị, chân thực, và trên hết là tình yêu nghệ thuật sâu sắc.
![]() |
Những tác phẩm văn học dân gian được chuyển thể sang kịch nói với diện mạo hiện đại. |
Vượt xa khuôn mẫu thường thấy ở các “vở kịch sinh viên”, đêm diễn không đơn thuần là một buổi trình diễn mang tính phong trào. Dưới sự hướng dẫn bài bản của các giảng viên chuyên ngành nghệ thuật học, với sự cố vấn của đội ngũ giám khảo gồm những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tên tuổi, các vở diễn đã tiệm cận sân khấu chuyên nghiệp cả về chiều sâu nội dung lẫn hình thức thể hiện.
![]() |
Ban giám khảo gồm những nhà nghiên cứu văn hóa và các nghệ sĩ nổi tiếng. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét: “Các vở kịch không chỉ tái hiện chuyện xưa, mà còn gửi gắm tâm tư, cách nhìn đời và vấn đề của người trẻ hôm nay. Các em có khả năng tiếp cận văn hóa truyền thống bằng tư duy phản biện, cảm xúc tinh tế, và một tinh thần nghệ thuật rất hiện đại, đầy sức sống thời đại”.
![]() |
Thế hệ sinh viên trẻ đã mang đến cho văn học và nghệ thuật những màu sắc đặc biệt. |
Trong bối cảnh việc dạy và học văn học, đặc biệt là văn học dân gian, ngày càng đối diện với thách thức về phương pháp truyền tải và cảm hứng tiếp nhận, những chương trình như Đêm kịch Khoa Văn là minh chứng cho hướng tiếp cận đa chiều, gắn lý thuyết với thực hành, gắn văn học với sân khấu sẽ đưa văn chương đến gần với đời sống.
Với người trẻ, văn học không còn là chuyện của sách vở hay thi cử. Văn học là ngôn ngữ sống động để kể lại những gì đã cũ bằng cách nhìn hôm nay, để khơi lại ký ức văn hóa, khẳng định giá trị cốt lõi của nhân văn trong thời đại công nghệ.
Gửi phản hồi
In bài viết