Người trẻ tiên phong số hóa di tích

- Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, một “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, thanh niên toàn tỉnh đã triển khai số hóa, tích hợp trong mã QR giúp tăng cường giáo dục lịch sử, văn hóa, đồng thời làm phong phú thêm trải nghiệm cho người tham quan.

Tuổi trẻ gắn kết “thời đại số” và lịch sử

Ông Nguyễn Như Hải, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là cán bộ trong Quân đội đã nghỉ hưu cùng các chiến hữu năm xưa tổ chức về nguồn tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, trong đó tham quan những địa danh như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào,…

Đứng trước cột QR giới thiệu về di tích, chỉ cần một thao tác nhanh và đơn giản, mọi thông tin đã hiện ra trên điện thoại của ông Hải. Đọc xong các thông lưu trữ được hiển thị sinh động, ông Hải xúc động nói: “Trước đây, khi đến các “địa chỉ đỏ”, tôi thường được hướng dẫn viên hoặc người trông coi di tích giới thiệu, thuyết minh. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có hướng dẫn viên đi cùng. Tôi rất bất ngờ khi khu di tích được xây dựng mã QR để du khách tìm hiểu thuận tiện hơn ngay khi không có người thuyết minh, vừa biết được nguồn gốc lịch sử của di tích một cách rõ ràng, chi tiết, vừa được trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, dễ hiểu”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan, quét mã QR giới thiệu về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa).

Từ tháng 10-2023, Huyện đoàn Sơn Dương đã triển khai số hóa các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa, đến nay đã có 6 điểm được gắn mã QR lưu trữ thông tin ở lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, bia di tích Trung ương Đoàn,… tại các xã Tân Trào và Minh Thanh. Đồng thời thành lập các đội tuyên truyền là cán bộ đoàn, đoàn viên và thanh niên của địa phương có hiểu biết về các giá trị văn hóa, di tích lịch sử có nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội và thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử.

Anh Trương Sỹ Dược, Bí thư Đoàn xã Tân Trào (Sơn Dương) chia sẻ: “Việc số hóa các điểm di tích trên địa bàn là một việc làm rất ý nghĩa. Khi muốn tìm hiểu về điểm di tích này mọi người chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet quét mã QR là mọi thông tin đều hiện lên đầy đủ. Chuyển đổi số trong giới thiệu di tích lịch sử và các địa điểm du lịch góp phần cùng quảng bá hình ảnh địa phương và phát triển du lịch”.

Thời gian qua, Huyện đoàn Chiêm Hóa phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thu thập tài liệu, thông tin, hình ảnh về những di tích trên địa bàn. Các thông tin được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi được tích hợp sẵn trong mã QR và thực hiện gắn biển QR đã được thẩm định nội dung tại các điểm di tích.

Đồng chí Ma Doãn Tài, Bí thư Huyện đoàn Chiêm Hóa thông tin: “Công trình số hóa các di tích được triển khai trên địa bàn huyện từ tháng 2-2024, các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đã thu thập thông tin được 130 điểm “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Hiện nay, Huyện đoàn đã thành lập 15 điểm số hóa di tích có gắn mã QR, trong mã QR có lưu trữ thông tin, tài liệu và hình ảnh dưới dạng Panorama 360 độ. Chúng tôi tiếp tục triển khai phấn đấu đến quý II/2025, 100% các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được số hóa”.

Tiến tới ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường

Công trình thanh niên số hóa và tích hợp thông tin, hình ảnh về các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai bài bản và có tính hệ thống.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn xây dựng một hệ thống số hóa toàn diện, bao gồm các ứng dụng di động, website và tích hợp trên các nền tảng trực tuyến khác để phục vụ việc tìm kiếm, tra cứu và giới thiệu các di tích lịch sử. Các sản phẩm này được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng, giúp người dùng có thể dễ dàng thao tác để tìm kiếm thông tin. Đầu tiên, người dùng có thể truy cập vào các nền tảng này thông qua quét QR trên smartphone hoặc máy tính.

Trên nền tảng số, mỗi di tích sẽ có một trang riêng với thông tin chi tiết, bao gồm lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, và các câu chuyện gắn liền với di tích. Các thông tin này được trình bày dưới dạng văn bản, hình ảnh, video, là các bản đồ tương tác để giúp người dùng dễ dàng hình dung về vị trí và các điểm tham quan của di tích. Cùng với đó tích hợp các tính năng tìm kiếm thông minh, giúp người dùng dễ dàng tìm được thông tin về di tích theo tên, loại hình hay khu vực.

Thông tin được cung cấp trên nền tảng số không chỉ bao gồm mô tả chi tiết về các di tích, mà còn có các tài liệu, hình ảnh, video, và thậm chí là các bản ghi âm từ các chuyên gia lịch sử, giúp người dùng hiểu sâu hơn về bối cảnh lịch sử và văn hóa của từng di tích.

Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã hoàn thành số hóa được 52 điểm “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Mỗi công trình được thực hiện cẩn thận, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đoàn viên, thanh niên. Với mục tiêu kết nối quá khứ với hiện tại, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ VR cụ thể là trong năm 2025 triển khai mô hình thực tế ảo lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Tuyên Quang trên hệ thống VR.

Những công trình này sẽ cho phép người dùng có thể “tham quan” và “trải nghiệm” không gian của các di tích ngay trên thiết bị di động hoặc kính VR, giúp họ dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của từng địa điểm. Chúng tôi sẽ tăng cường số hóa các di tích lịch sử và văn hóa của tỉnh, không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ thông tin mà còn áp dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để mang đến những trải nghiệm học hỏi, tham quan di tích một cách trực quan và sinh động”.

Bài, ảnh: Mai Dung

Tin cùng chuyên mục