Bà Dung đang dạy Chiêng Mường cho các cháu.
Trong cái nóng oi ả của buổi chiều mùa hạ, bà Dung vẫn hăng say dạy các cháu bé từ lớp 1 cho đến học cấp 3 về văn hóa Mường.
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bôi thơ mộng, văn hóa Mường cứ lớn dần theo năm tháng như một dòng chảy tự nhiên trong con người bà.
Ngôn ngữ, trang phục, lời ru của dân tộc Mường từ các thế hệ trước đã ngấm vào trong tâm trí bà từ nhỏ.
Hồi đó, gần nhà bà Dung có đơn vị bộ đội thông tin E603 của quân khu 3 đóng quân, các chú bộ đội phát hiện “cô bé Dung” hát hay rồi vận động lớn lên tham gia quân ngũ vào đội văn nghệ.
Những năm trong quân ngũ bà luôn là chiến sĩ tiêu biểu về học tập theo gương Bác Hồ kính yêu.
Xuất ngũ bà trở về quê hương công tác tại phòng văn hóa huyện cho đến lúc nghỉ hưu.
Bà Dung tâm sự: “vốn là con nhà cán bộ cách mạng, tôi đã có 44 năm tuổi đảng, gần cả cuộc đời công tác gắn bó với quê hương xứ Mường yêu dấu. Ngoài đam mê văn hóa dân tộc, tôi thấy cần phải đóng góp một phần trách nhiệm nhỏ bé của mình để giữ gìn, bảo tồn những bản sắc mà ông cha để lại. Vậy là ý tưởng mở lớp truyền dạy văn hóa Mường cho các cháu được thực hiện từ năm 2004 đến nay. Khi các cháu lớn lên sẽ thấy được niềm tự hào là người con của đất Mường”.
Bà Dung ví, để dạy được những lớp như vậy không khác gì cán bộ làm công tác dân vận, làm sao để các cháu phải thích đã, rồi tiếp theo mới gieo vào lòng cho các cháu tình yêu dân tộc mình, yêu văn hóa, yêu bản sắc, yêu quê hương, yêu đất nước.
Tại lớp học, cháu Quách Ngọc Linh tâm sự, sau hai năm cháu học được rất nhiều những bài hát, những điệu múa, những bài chiêng Mường từ bà Dung dạy. Cháu mong rằng, các bạn nhỏ sẽ tham gia lớp học nhiều hơn để hiểu thêm bề dày của văn hóa dân tộc, để gìn giữ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Người dân quanh vùng kể, bà Dung thời trẻ là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết lại có niềm đam mê gìn giữ văn hóa dân tộc nên được rất nhiều người quý mến. Bao năm nay, bà vẫn dành nhiều thời gian miệt mài truyền dạy con em trong vùng miễn phí để lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Theo dòng chảy của thời gian cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường đang có nguy cơ bị mai một thì việc bảo tồn và gìn giữ là điều khẩn thiết.
Không chỉ dạy để lưu giữ, bảo tồn, mà bà Dung như một người “truyền lửa” về văn hoá Mường cho thế hệ trẻ. Bà luôn khích lệ, động viên để các cháu hiểu được từ gốc rễ, lịch sử. Ngoài các cháu thích học tự nguyện đến xin bà Dung dạy, bà còn đi vận động, "nịnh" các cháu chưa muốn tham gia để vào lớp học.
Không chỉ dạy trong huyện, mà các huyện khác trong tỉnh cứ nơi nào mời là bà đều có mặt. Đến nay bà đã dạy được hơn 500 người qua các khóa học và hàng chục câu lạc bộ Chiêng Mường trong và ngoài huyện. Giờ đây bước sang tuổi 64, nhưng bà vẫn hăng say với niềm đam mê bất tận, để thổi hồn vào những lời ca, điệu múa, lan tỏa cho mai sau.
Với những đam mê cống hiến không mệt mỏi cho nền văn hóa của dân tộc mình, bà đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương. Bà là tấm gương về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong vùng.
Theo dòng chảy của thời gian cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường đang có nguy cơ bị mai một thì việc bảo tồn và gìn giữ là điều khẩn thiết. Để có những người đam mê gìn giữ và truyền dạy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường cho thế hệ mai sau như bà Dung là vô cùng quý giá. Mong rằng niềm đam mê bất tận đó sẽ chảy mãi trong con người bà như dòng sông Bôi ấm áp.
Gửi phản hồi
In bài viết