Độc đáo tranh thờ
Rót một chén trà mời khách, ông Đặng Văn Thịnh cho biết, người vẽ tranh thờ người Dao ở huyện Chiêm Hóa giờ đếm trên đầu ngón tay. Ông bảo, nghề vẽ tranh thờ phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, những giá trị đạo đức truyền thống của cộng đồng người Dao. Qua những bức tranh, chúng ta có thể hiểu được lịch sử di cư, những cuộc đấu tranh sinh tồn và khát vọng về một cuộc sống bình an, ấm no của người Dao. Sự độc đáo của tranh thờ người Dao còn thể hiện ở kỹ thuật vẽ và chất liệu sử dụng. Giấy được làm thủ công từ vỏ cây dó và vải toan, có độ bền cao, màu sắc tự nhiên. Mực được pha chế từ các loại cây cỏ, khoáng chất, tạo nên những gam màu đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Các họa tiết thường mang đậm dấu ấn của văn hóa bản địa, như hình ảnh các vị thần, cây cỏ, chim muông, các biểu tượng trừu tượng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Ông Đặng Văn Thịnh
Cầm cây bút vẽ phất màu lên tranh thờ, ông Thịnh giải thích, đầu tiên để vẽ được tranh thờ thì người vẽ phải có say mê, năng khiếu vẽ. Hơn nữa người vẽ phải hiểu sâu sắc về ý nghĩa của tranh thờ người Dao. Nếu người biết vẽ là thầy cúng người Dao thì càng thuận lợi. Bởi đối với người Dao, tranh thờ không đơn thuần là vật trang trí mà là phương tiện giao tiếp linh thiêng với thế giới siêu nhiên. Mỗi bức tranh là một biểu tượng, một cánh cửa kết nối con người với các vị thần linh, tổ tiên và những thế lực huyền bí. Các vị thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, các vị tướng được thể hiện một cách trang trọng, uy nghiêm, mang trong mình những câu chuyện, những truyền thuyết được lưu truyền qua bao thế hệ.
Theo ông Thịnh, nghệ nhân vẽ tranh thờ phải tỉ mỉ trong từng đường nét, cẩn trọng trong việc phối màu, thổi hồn vào những bức tranh để chúng thực sự trở thành nơi “trú ngụ” của các vị thần linh. Màu sắc trong tranh thờ người Dao thường mang tính tượng trưng cao: màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sức mạnh; màu vàng thể hiện sự giàu sang, quyền quý; màu xanh lá cây của núi rừng, sự sinh sôi nảy nở. Có bức vẽ chân dung từng vị thần với những nét mặt thể hiện các sắc thái, quyền uy, tính cách, phẩm cấp của mỗi vị thần tương ứng với vai vế trên thiên cung, có những bức tranh vẽ rất nhiều các vị thần linh cạnh nhau tùy thuộc vào cấp sắc của thầy mà các bức tranh được vẽ cho phù hợp. Các vị thần linh mặc dù được vẽ bằng nét bút, màu sắc đơn giản, chủ yếu là các đường nét, dưới bàn tay của người thợ vẽ tranh hằng trăm gương mặt thần linh không có gương mặt nào giống gương mặt nào, tất cả đều thể hiện được sắc thái của nhân vật. Điều quan trọng là người làm nghề vẽ tranh ngoài khả năng về hội họa thì nhất định phải được cộng đồng người Dao công nhận, tin tưởng.
Ông Thịnh vẽ xong tranh mang ra phơi nắng cho khô mực.
Để tranh thờ trường tồn
Ông Đặng Văn Thịnh giải thích, một trong những vật dụng quan trọng không thể thiếu của các thầy cúng trong thực hành nghi lễ của người Dao là những bức tranh thờ, đây được coi như “bảo bối” của các thầy cúng, làm phương tiện để liên hệ với các vị thần, đấng siêu nhiên và vũ trụ. Trong nghi thức lễ Cấp sắc các thầy cúng qua những tranh thờ như cuốn “Thông thiên” hay còn gọi là “Bình hoàng khoán điệp” và “Quả som bảng văn”, ghi chép lịch sử hình thành nguồn gốc của dân tộc Dao được truyền miệng từ đời này sang đời khác, tranh thờ là vật thiêng để cầu các vị thần linh phù hộ giúp đỡ hoặc chứng giám lòng thành của thân chủ. Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, các vị thần linh được phân phẩm cấp theo thứ bậc, mỗi vị thần cai quản một lĩnh vực trong thế giới siêu nhiên...
Tranh thờ người Dao do ông Thịnh vẽ.
Dẫn chúng tôi đi xem khu vực treo tranh thờ người Dao, ông Thịnh khẳng định, mỗi ngành Dao lại treo tranh thờ khác nhau, như ngành Dao Đỏ thường treo 12 tranh, ngành Dao Tiền treo 1 - 3 tranh. Và điểm nhấn là người Dao thường treo tranh thờ theo dòng họ, người trưởng họ lập bàn thờ tổ tông nơi trang trọng trong nhà và phải treo tranh thờ. Nếu dòng họ Đặng ở Phú Bình thường treo 3 tranh thờ, thì dòng họ Bàn treo 1 tờ tranh thờ, dòng họ Lý lại treo 2 tờ tranh thờ. Ảnh tranh thờ thường là hình vẽ ông tổ của người Dao là Bàn Vương và các vị thần. Trong các lễ cúng cấp sắc, đám ma, cúng tổ tông đều phải có tranh thờ. Tranh thờ một loại thầy cúng cầm, một loại được treo ở các nhà thờ họ.
Dù ngày nay công nghệ in ấn khá hiện đại, nhưng người Dao không bao giờ mua tranh in về treo. Người Dao quan niệm tranh phải được người có năng khiếu, người có đủ uy tín, vẽ bằng cả lòng thành của mình thì Ngọc Hoàng, Bàn Vương, các vị thần linh mới chứng giám cho lòng thành của dòng họ, gia chủ. Một tranh thờ vẽ nhanh cũng cả tuần, nếu cả bộ có khi vẽ cả tháng mới xong. Nên giá tranh thờ từ 1 đến cả hơn 10 triệu một bộ, tùy theo số lượng tranh. Khi vẽ tranh thì người vẽ chọn ngày đẹp khai bút, chọn ngày tốt để hoàn thành tranh. Tranh làm xong được đựng vào ống tre khô có nắp đậy kín khắc họa hoa trang trí.
Lớp trẻ được ông Thịnh hướng dẫn vẽ tranh thờ.
Xưa và nay tranh thờ thực sự trở thành một di sản văn hóa truyền thống quý báu của người Dao. Tuy nhiên việc trao truyền nghề vẽ tranh cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Dao của tỉnh chia sẻ: “Người vẽ tranh thờ người Dao trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, vì một số nghệ nhân, thầy cúng tuổi cao đã khuất núi. Những người trẻ trong gia đình, dòng họ người vẽ tranh lại không có năng khiếu vẽ tranh. Những người bên ngoài có năng khiếu vẽ tranh lại không đi theo nghề vẽ tranh thờ. Để bảo tồn, phát huy giá trị nghề vẽ tranh thờ người Dao trên địa bàn tỉnh, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Dao của tỉnh đã và đang rà soát các nghệ nhân biết vẽ tranh để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ông Thịnh cũng là người đang trăn trở, tìm những đứa cháu nội, ngoại trong dòng họ thích vẽ tranh thờ để truyền nghề. Vào các ngày cuối tuần ông Thịnh thường mang tranh ra vẽ, để các cháu sum vầy, tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật vẽ. Chúng tôi coi đây là một giải pháp tốt, một cách lan tỏa văn hóa Dao trong chính dòng họ, gia đình mình. Để tranh thờ người Dao tiếp tục trường tồn với thời gian…”
Gửi phản hồi
In bài viết