Điểm du lịch tự phát ở suối nước lạnh, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vừa bị chính quyền, lực lượng chức năng đình chỉ, tháo dỡ. (Ảnh: THANH LỘC)
Ngày 30/4/2024, ông Lê T.Đ. ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), lên khu vực suối Nước Lạnh chơi, xuống tắm mà không mặc áo phao. Trong khi tắm ông Đ. không may bị đuối nước tử vong. Theo nhiều nhân chứng, khu vực xảy ra sự việc đau lòng do một nhóm hộ dân tự dựng các chòi tre hai bên suối, kết bè tre nứa làm cầu tạm trên mặt nước để đi lại và phục vụ tắm mát, vui chơi. Đoạn suối này khá sâu, nước trong nên thu hút nhiều người đến tắm. Dù đã hoạt động một thời gian nhưng điểm du lịch, dịch vụ này chưa được cơ quan chức năng hoặc chính quyền cấp phép.
Thực tế, những vụ tai nạn xảy ra trong hành trình du lịch tự phát không còn là chuyện hy hữu trong vài năm trở lại đây. Riêng trong năm 2023, đã xảy ra hơn 10 vụ việc tai nạn du lịch dẫn đến mất tích hoặc tử vong. Trong những ngày cuối tháng 5/2023, dư luận xôn xao trước vụ việc học sinh và phụ huynh một trường tư ở Tây Mỗ (thành phố Hà Nội) trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Đoàn tham quan này do phụ huynh tự tổ chức theo kiểu tự phát, tự liên hệ với chủ tàu, thuyền đưa đi tham quan, trải nghiệm.
Thực tế cho thấy, tại những điểm du lịch tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, thiếu biển chỉ dẫn...Việc tổ chức du lịch tự phát đều do người dân địa phương, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách nên hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro về thiên tai, khí hậu liên quan trải nghiệm. Nguy hại hơn, lợi dụng hình thức du lịch tự phát, nhiều đối tượng đã rao bán hàng loạt chương trình giá rẻ nhằm lừa đảo, trục lợi.
Nhiều cơ sở du lịch tự phát đã đầu tư khá nhiều lều trại, ca-nô, thuyền hay những dụng cụ dành cho du lịch khám phá mạo hiểm trong rừng sâu, các thác nước... nhưng loại hình này không tuân thủ một điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào cho nên không lường trước được mức độ an toàn.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung, Công ty Du lịch Việt (Hà Nội), chính sự phát triển rầm rộ trong một thời gian ngắn của hoạt động du lịch tự phát ở một số địa điểm đã khiến cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong quản lý. Nhiều cơ sở du lịch đã đầu tư khá nhiều lều trại, ca-nô, thuyền hay những dụng cụ dành cho du lịch khám phá mạo hiểm trong rừng sâu, các thác nước... nhưng loại hình này không tuân thủ một điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào cho nên không lường trước được mức độ an toàn.
Thậm chí, dù đã có biển cảnh báo, nhưng du khách vẫn bất chấp sự nguy hiểm. Hơn nữa, các điểm du lịch này không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý và giám sát thường xuyên, không có người làm công tác cứu hộ hay cung cấp trang thiết bị bảo đảm an toàn cho du khách. Nhiều khu vực sông suối, thác nước không cắm biển cảnh báo độ sâu. Phần lớn các hộ dân sinh sống trong khu vực tự đứng ra khai thác du lịch nên không có nhiều kiến thức, kỹ năng cảnh báo hay xử lý các tình huống rủi ro có thể xảy ra.
Để kiểm soát hoạt động du lịch tự phát và bảo đảm an toàn, quyền lợi cho du khách, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát, nơi có hồ, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ. Kiên quyết không cho tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là các loại hình vui chơi, giải trí mặt nước, trò chơi mạo hiểm khi chưa được cấp phép.
Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành trong việc quy hoạch, kiểm soát, đề ra phương hướng phát triển cho những điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, phải cảnh báo người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển.
Gửi phản hồi
In bài viết