Với tốc độ truy cập internet di động lên đến 1Gbps, gấp 10 lần tốc độ 4G hiện nay, mạng 5G được đánh giá đem lại những trải nghiệm công nghệ, ứng dụng hiện đại, như thực tế ảo (AR/VR), điều khiển robot, cũng như phục vụ cho sản xuất thông minh, phẫu thuật từ xa, xe tự lái... Mạng 5G được coi là điều kiện cần để phát triển, phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do vậy, khi Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đầu tư triển khai mạng và dịch vụ mạng 5G với nguyên tắc hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước, hạ tầng mạng phải đủ mạnh mới tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới. Số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông đến tháng 6-2022, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành phố. Tất cả cho thấy mạng 5G đã, đang được các nhà mạng triển khai phục vụ khách hàng, sẵn sàng cho chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại diện các nhà mạng, đến thời điểm hiện tại việc triển khai mạng 5G vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa có băng tần chính thức. Đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, việc chưa có băng tần chính thức gây khó khăn cho triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư, mua sắm thiết bị. Theo đại diện một nhà mạng, thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng 5G hiện đã phổ biến và có giá rẻ, thích hợp cho nhà mạng đầu tư mạng lưới, song do chưa được cấp phép băng tần chính thức nên việc thử nghiệm cũng khó khăn. Thêm nữa, kế hoạch đấu giá băng tần 2,3GHz, 2,4GHz dành cho 4G; kế hoạch đấu giá một phần băng tần 2,6GHz dành cho 5G liên tục bị chậm hoặc vướng các văn bản quy định hiện hành khiến các nhà mạng tuy cung cấp dịch vụ 4G, 5G nhưng tốc độ bị hạn chế, không bảo đảm.
Về nguyên nhân chậm có băng tần cho nhà mạng cung cấp dịch vụ mới, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông từng lý giải, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,3GHz, băng tần 2,6GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn, do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn từ Bộ Tài chính về xác định “mức thu cơ sở” đối với băng tần 2,3-2,4GHz. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã quá hạn, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa trả lời. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá như kế hoạch. Còn với băng tần 2,6GHz (một phần), sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (hiện đang trình Quốc hội)…
Kế hoạch triển khai mạng 5G cũng đã được các nhà mạng công bố lộ trình triển khai. Chẳng hạn, giai đoạn 2023-2025 Viettel triển khai trên diện rộng ở trọng tâm các tỉnh, thành phố đáp ứng nhu cầu cho 15 triệu thuê bao; từ năm 2026 cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc. VNPT/VinaPhone ưu tiên đầu tư mạng 5G tại các khu vực trọng điểm, khu công nghiệp công nghệ cao, khu trung tâm có nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn. Các nhà mạng cũng định hướng phát triển 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng số (mua hàng trực tuyến, giải trí, học tập, khám, chữa bệnh...) như một dịch vụ gia tăng cho người dùng đồng thời kỳ vọng, trong giai đoạn 2023-2025 dịch vụ mạng 5G sẽ phổ biến như 4G.
Tuy nhiên, với thông tin như nêu trên về tiến độ đấu giá cả băng tần mạng 4G, lẫn 5G đang bị chậm hoặc vướng quy định, thì có thể thấy rằng, tiến độ triển khai việc đầu tư hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ có thể sẽ không như mong muốn.
Gửi phản hồi
In bài viết