Nhà vua Anh Charles III phát biểu trước Quốc hội Pháp.
Hoạt động lần này lẽ ra đánh dấu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Nhà vua Charles III sau khi lên ngôi, trước khi ông tới Đức (cuối tháng 3-2023). Ban đầu, chuyến công du được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 3-2023, nhưng sau đó buộc phải tạm hoãn do làn sóng biểu tình diễn ra trên khắp nước Pháp, liên quan tới cải cách hưu trí.
Bên cạnh các hoạt động chính thức như gặp gỡ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte, chương trình làm việc của Vua Charles III trong dịp này còn bao gồm nhiều hoạt động liên quan tới các lĩnh vực được Nhà vua chú trọng như môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền vững, song song với các nỗ lực thúc đẩy cộng đồng và doanh nghiệp trẻ. Trong lịch trình dày đặc như vậy, điểm nhấn nằm ở bài phát biểu lần đầu tiên của một Nhà vua Anh trước Quốc hội Pháp trong tối 21-9 (giờ Việt Nam).
Truyền đi thông điệp đoàn kết giữa Pháp và Anh, bài phát biểu đã nhắc lại các liên kết chính trị, lịch sử, văn hóa giữa hai quốc gia, đồng thời nêu bật những thách thức chung mà Pháp và Anh đang đối mặt. Nhà vua Charles III cũng đề nghị hai nước tăng cường hợp tác, trong đó xem xét cùng nhau giải quyết các trường hợp khẩn cấp về khí hậu và đa dạng sinh học bằng một phiên bản hiện đại của Hiệp ước Entente Cordiale năm 1904, đồng thời nhấn mạnh đây sẽ là mốc mới cho tình hữu nghị giữa Paris và London. Người đứng đầu Hoàng gia Anh cũng đưa ra cam kết cá nhân, rằng sẽ làm hết sức mình để tăng cường mối quan hệ "không thể thiếu" giữa hai nước. Nội dung bài phát biểu đã nhận được sự hưởng ứng từ các đại biểu Pháp.
Diễn biến trên khiến giới quan sát lạc quan rằng, chuyến thăm của Vua Charles III tới Pháp thực sự đã gặt hái thành công trong việc củng cố và nối dài những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Rishi Sunak nhằm khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Điều này vô cùng quan trọng, bởi 5 năm qua, quan hệ Anh và Pháp đã chứng kiến giai đoạn đầy sóng gió, thậm chí được mô tả là “căng thẳng nhất từ sau cuộc chiến Iraq năm 2003”, chủ yếu bắt nguồn từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thường gọi là Brexit.
Tuy nhiên, vào lúc này, hai nước dường như đã “thấm mệt” và cùng cảm nhận được tính khẩn cấp của việc sớm đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo gắn kết. Trước hết, giữa lúc diễn biến chính trị toàn cầu nhiều bất ổn, nhất là cuộc xung đột tại Ukraine, bất cứ rạn nứt nào giữa Anh - Pháp đều có nguy cơ suy yếu các khối đoàn kết phương Tây, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tiếp đến, cả hai nước lúc này đều phải đối mặt với những vấn đề xã hội lớn trong nội bộ, đồng nghĩa với sự yên ổn bên ngoài càng trở nên cấp thiết. Cuối cùng, nhiều nỗ lực gần đây của hai nước cũng thể hiện sự tương đồng, có thể bổ trợ lẫn nhau, đơn cử như việc siết chặt làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Ngoài ra, bản thân việc Anh xích lại gần Pháp, quốc gia đóng vai trò then chốt trong EU, cũng phản ánh London mong muốn cải thiện quan hệ với khối này.
Nhìn chung, với tư cách là hai nền kinh tế quan trọng hàng đầu ở châu Âu, có chung những lợi ích sát sườn, đồng thời là những quốc gia có tiếng nói đầy trọng lượng trên trường quốc tế, Anh và Pháp không thiếu lý do để hàn gắn mọi rạn nứt, tiếp tục hợp tác cùng phát triển. Sự gắn kết bền vững London - Paris cũng chính là tiền đề thiết yếu để hai nước cùng bắt tay vào giải quyết những thách thức của thế giới hiện đại.
Gửi phản hồi
In bài viết