Cuộc đình công với sự tham gia của hơn 75.000 nhân viên y tế tại Kaiser Permanente, tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất nước Mỹ, diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Những người biểu tình tại thành phố Los Angeles cho biết họ được trả lương thấp nhưng phải làm việc quá sức.
Khi trả lời AFP, kỹ thuật viên chụp X-quang Armando Velasco tiết lộ, nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc kể từ khi xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19, khiến tình hình hiện nay như “trên bờ vực thẳm”.
Trong khi đó, y tá Kathy Lozoya cho biết chi phí sinh hoạt tăng vọt ở miền nam California khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Cũng theo nữ y tá này, Kaiser Permanente đã báo cáo lợi nhuận hàng tỷ USD nên cần chia sẻ với những người lao động ở tuyến đầu.
Nhân viên y tế Mỹ đình công quy mô lớn nhằm đòi hỏi quyền lợi lao động. Ảnh: Getty Images
Các cơ sở của Kaiser Permanente ở Washington, Virginia, California, Colorado, Oregon dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài 3 ngày. Tổ chức này cho biết, các trung tâm vẫn hoạt động nhưng cảnh báo thời gian chờ đợi sẽ “lâu hơn bình thường”.
Trước phản ứng từ các nhân viên y tế, phát ngôn viên của Kaiser Permanente khẳng định, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận về các điều khoản cụ thể và tổ chức này sẵn sàng tiếp tục đàm phán cho đến khi thống nhất về một thỏa thuận công bằng.
Liên minh các Công đoàn Kaiser Permanente nhận định, cuộc đình công có quy mô lớn nhất trong lịch sử y tế Mỹ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động như tăng lương. Phía công đoàn cũng đe dọa sẽ tiếp tục đình công vào tháng 11 nếu Kaiser Permanente không có biện pháp khắc phục.
Hoạt động đình công của các nhân viên y tế diễn ra trong bối cảnh Mỹ ghi nhận số cuộc đình công cao bất thường, khi người lao động phải vật lộn với mức lạm phát chưa từng thấy trong một thế hệ.
Giá cả cao hơn đã làm giảm sức mua trên toàn quốc, trong khi sự gia tăng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến mối lo ngại về sự gia tăng tự động hóa trong nhiều công việc.
Gửi phản hồi
In bài viết