Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (người ngồi giữa) cùng ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do tại Tokyo.
Trong nội các mới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ giữ lại 5 vị trí chủ chốt, gồm: Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Daishiro Yamagiwa, và Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito. Một diễn biến gây chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi - em trai của cố Thủ tướng Abe Shinzo, không có tên trong nội các mới. Người thay thế là ông Yasukazu Hamada, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản giai đoạn 2008-2009.
Thủ tướng F.Kishida cũng bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) Sanae Takaichi và Trưởng ban Quan hệ công chúng của LDP Taro Kono lần lượt giữ chức Bộ trưởng An ninh kinh tế và Bộ trưởng Số hóa. Trong khi đó, ông Yasutoshi Nishimura - từng phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ giai đoạn 2020-2021, sẽ là Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Nói về bộ máy mới, Thủ tướng F.Kishida nhấn mạnh, đây sẽ là “nội các thực thi quyết sách”, kết hợp giữa các thành viên giàu kinh nghiệm và năng lực, cùng hành động quyết liệt để đưa Nhật Bản vượt qua khó khăn. Cùng với cải tổ nội các, Thủ tướng F.Kishida, đồng thời là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), cũng cải tổ ban lãnh đạo đảng cầm quyền, trong đó chỉ giữ lại 3 vị trí chủ chốt gồm: Phó Chủ tịch Taro Aso, Tổng Thư ký Toshimitsu Motegi và Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề Quốc hội Tsuyoshi Takagi.
Cuộc cải tổ lần này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với môi trường an ninh khu vực ngày càng căng thẳng, đồng thời chịu rủi ro kinh tế do giá cả tăng cao và dịch Covid-19 bùng nổ. Số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày ở nước này đã liên tục tăng chóng mặt, từ mức chưa tới 10.000 ca cuối tháng 6 nhưng đã lập đỉnh 249.708 ca ngày 3-8, khiến hệ thống y tế ở nhiều
địa phương quá tải. Để ứng phó, nội các mới trước mắt tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên trọng điểm là: Tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng, thúc đẩy các chính sách an ninh kinh tế, đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế, đối phó với dịch bệnh Covid-19 và nỗ lực giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm.
Theo giới quan sát, cuộc cải tổ lần này diễn ra sớm hơn nhiều dự báo nhằm ngăn chặn đà suy giảm uy tín của bộ máy lãnh đạo, khi nhiều lo ngại dấy lên về mối liên hệ giữa đảng cầm quyền LDP với một tổ chức tôn giáo gây tranh cãi. Thực tế, theo Đài NHK, sự ủng hộ nội các của Thủ tướng F.Kishida hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, chỉ còn 46% so với 59% ở thời điểm cách đây 3 tuần. Trong bối cảnh đó, việc “luồng sinh khí” mới của chính quyền Nhật Bản được đánh giá cao là tín hiệu đáng mừng.
Hãng thông tấn Kyodo trích lời Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) Masakazu Tokura nhận định, nội các mới là “đội ngũ rất mạnh” với sự hiện diện của nhiều chuyên gia hoạch định chính sách. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura đánh giá, nội các mới có những thành viên “nhiều kinh nghiệm lập pháp và hành pháp”, bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ tập trung tạo ra môi trường cho việc tăng lương bền vững.
Bước đầu được đón nhận tích cực, có thể kỳ vọng những thay đổi về nhân sự lần này sẽ tạo ra nền tảng cần thiết cho một chính quyền lâu dài, ổn định của Nhật Bản, qua đó mở đường giải quyết những khó khăn mà Thủ tướng F.Kishida mô tả là "thách thức lớn nhất của thời kỳ hậu chiến".
Gửi phản hồi
In bài viết