Nhật Bản sẽ phối hợp với các nước Đông Nam Á và Australia về các chính sách nhằm giảm phát thải carbon tại khu vực, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản sẽ phối hợp với các nước Đông Nam Á và Australia về các chính sách nhằm giảm phát thải carbon tại khu vực, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản, ông Ken Saito cùng các quan chức Chính phủ từ “Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0” (AZEC) gồm tất cả 11 thành viên sẽ họp tại Indonesia vào ngày 21/8.
Tại cuộc họp, các quan chức dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố chung giải quyết thách thức trong 3 lĩnh vực: điện, giao thông vận tải và công nghiệp.
AZEC sẽ làm việc trên lộ trình 10 năm cũng như xây dựng các hướng dẫn.
Trong lĩnh vực điện, tuyên bố dự kiến sẽ tập trung vào việc khử cacbon trong sản xuất điện nhiệt trong bối cảnh than, khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu điện của châu Á.
AZEC có kế hoạch thúc đẩy hydro và amoniac làm nhiên liệu, có tính đến tình hình năng lượng ở mỗi quốc gia. Các thử nghiệm kỹ thuật về sản xuất điện hydro và amoniac đang được tiến hành tại Nhật Bản.
Đối với lĩnh vực vận tải, các quan chức sẽ nhất trí về việc thiết lập chuỗi cung ứng tại châu Á hướng đến việc mở rộng việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững và nhiên liệu sinh học. AZEC sẽ xây dựng một lộ trình cho sáng kiến này và đưa ra các dự án với sự tham gia của các công ty từ các thành viên AZEC.
Trong khi đó, với lĩnh vực công nghiệp, tuyên bố dự kiến sẽ đề cập việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để sản xuất điện cho các khu công nghiệp. Các thành viên AZEC cũng sẽ hợp tác triển khai công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Ở các nước châu Á, ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu theo giá trị.
Bằng cách giảm phát thải carbon dioxide (CO2) trong toàn bộ chuỗi cung ứng, các thành viên AZEC mong muốn tăng cường lợi thế cạnh tranh của mình trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh nhu cầu khử cacbon đang gia tăng.
Các thành viên AZEC cũng được kỳ vọng sẽ hợp tác trong việc chia sẻ kiến thức về khuôn khổ giao dịch phát thải của họ.
AZEC lần đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất vào năm 2022. Ngoại trừ Myanmar, 9 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham gia cơ chế này cùng với Nhật Bản và Australia.
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo AZEC dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Lào.
Gửi phản hồi
In bài viết