Marunouchi (khu thương mại lớn của Tokyo) vẫn sầm uất trước những ảnh hưởng từ Covid-19.
Sách Trắng lần này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đã có sự phục hồi nhưng mức tăng trưởng còn khá khiêm tốn do Chính phủ phải mở rộng tình trạng khẩn cấp để ứng phó với diễn biến dịch phức tạp khi nhiều ca nhiễm mới do biến chủng Delta. Nội dung Sách Trắng tỏ ra lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường nội địa. Theo đó, chi tiêu của người dân Nhật Bản tuy có biến động nhưng tăng trưởng số dư tiền mặt và tiền gửi tại các hộ gia đình lớn hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch.
Cùng với đó, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, xuất khẩu trong tháng 8 của nước này cũng tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số. Có được kết quả này là nhờ thương mại toàn cầu phục hồi, các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng bắt đầu phát huy tác dụng tại các nền kinh tế lớn. Tỷ lệ phá sản của các công ty Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua nhờ nhiều biện pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, một thông tin trong Sách Trắng khiến giới quan sát lo ngại, đó là các khoản nợ doanh nghiệp vẫn tăng cao. Theo số liệu mới nhất, tổng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính trong khu vực tư nhân của Nhật Bản đã vượt 27.000 tỷ yên so với mức dự báo cho chu kỳ 4 năm được đưa ra hồi năm 2019.
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, việc xây dựng một nền kinh tế có khả năng phản ứng linh hoạt với các tình trạng khẩn cấp như đứt gãy chuỗi cung ứng hay biến đổi khí hậu là vấn đề tổng thể được Sách Trắng đề cập. Tài liệu này khẳng định nhiệm vụ cấp thiết của Nhật Bản là đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, với kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay sẽ tăng trở lại như thời điểm năm 2019.
Để đạt được những mục tiêu trên, "Sách Trắng về kinh tế và tài chính tài khóa 2021" đề ra một số nhiệm vụ cấp bách như: Cân bằng giữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế; tăng cường các chuỗi cung ứng; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp và cải thiện sự linh hoạt của thị trường lao động.
Nhằm ứng phó thực trạng các chuỗi cung ứng bị gián đoạn đang gây khó khăn cho nền kinh tế, Sách Trắng kêu gọi tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung các sản phẩm chủ chốt, trong đó chú trọng tới linh kiện bán dẫn và phụ tùng ô tô. Đây là lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình hình dịch bệnh phức tạp ở khu vực Đông Nam Á.
Để thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, Sách Trắng đề nghị sớm thực thi các biện pháp thiết thực, như áp dụng “thẻ xanh” vắc xin Covid-19. Sách Trắng cho rằng, cam kết của Thủ tướng Suga Yoshihide về thực hiện mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 và việc Nhật Bản thành lập Cơ quan Kỹ thuật số sẽ là những động lực quan trọng để các doanh nghiệp nước này phát triển.
Theo giới chuyên môn, hướng đi được đề ra trong "Sách Trắng về kinh tế và tài chính tài khóa 2021" của Nhật Bản là hợp lý cùng nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của đảo quốc Mặt trời mọc. Đến nay, hơn 50% dân số Nhật Bản đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ hai mũi, tức là đã bắt kịp với tỷ lệ tiêm chủng của nhiều nền kinh tế lớn khác. Đây là tiền đề để Nhật Bản vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết