Hội nghị TICAD 2022. (Ảnh SENEGAL DETAIL ZERO)
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 8 diễn ra tại Tunisia mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ phát triển cùng châu Phi, trong đó tăng các khoản cho vay, trị giá khoảng 5 tỷ USD, với sự phối hợp của Ngân hàng Phát triển châu Phi, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững châu lục thông qua việc khôi phục tài chính.
Để hỗ trợ châu Phi, Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD nhằm đạt được tăng trưởng xanh thông qua quá trình khử các-bon và giúp châu Phi tăng cường năng lực sản xuất lương thực, đào tạo người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ châu Phi phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao, cũng như tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe. Dự kiến, trong ba năm tới, Nhật Bản sẽ đào tạo 300.000 nhân tài của châu Phi trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và luật.
Trong các cam kết tài chính đối với các nước châu Phi, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu chú trọng chất lượng hơn là số lượng. Tokyo luôn tài trợ cho nhiều dự án khác nhau, với nhiều lĩnh vực khác nhau vào những thời điểm khác nhau. 10 năm trước, Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực cảng, trong đó tài trợ cho một cảng công-ten-nơ mới tại cảng Nacala của Mozambique và một bến công-ten-nơ thứ hai tại cảng chính Mombasa của Kenya.
Hiện nay, năng lượng tái tạo được coi là một phương tiện thúc đẩy sự phát triển và được Nhật Bản quan tâm thúc đẩy đầu tư ở châu Phi. Đây cũng là lĩnh vực có thể huy động tối đa năng lực chuyên môn của người Nhật. Tokyo đã tài trợ cho việc xây dựng tổ máy số 6 công suất 83MW tại nhà máy địa nhiệt Olkaria ở Kenya, được hoàn thành vào tháng 4 vừa qua. Nhật Bản đã cung cấp một khoản vay lãi suất thấp trị giá 99,6 tỷ Yen (746 triệu USD) để tài trợ cho dự án mới và đường dây truyền tải cần thiết để kết nối nhà máy này với phần còn lại của đất nước.
Dự án do hai công ty Nhật Bản là Fuji Electric Global và Marubeni Corporation thực hiện. Khoản vay 29 tỷ Yen (217 triệu USD) cho phần phát điện của dự án có lãi suất ưu đãi 0,2% có thể hoàn trả trong 30 năm, bao gồm thời gian ân hạn kéo dài 10 năm. Các lĩnh vực khác thu hút nguồn tài chính đáng kể của Nhật Bản bao gồm các dự án nông nghiệp và đường sá, với tổng hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) dành cho châu Phi lên tới 226 tỷ Yen (1,69 tỷ USD) vào năm 2020.
TICAD do Nhật Bản khởi xướng kể từ năm 1993. Trước đây, Tokyo chủ yếu duy trì ảnh hưởng của mình thông qua viện trợ phát triển ở châu Phi, trong khi khu vực tư nhân và các tổ chức cho vay thương mại được cho là vẫn còn thận trọng. Hiện nay, cam kết đầu tư từ Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh châu Phi đang đối mặt một loạt vấn đề cấp bách.
Châu lục này chịu tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày càng nghiêm trọng do tình trạng gián đoạn vận chuyển ngũ cốc và giá lương thực tăng vọt liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, cùng vấn đề an ninh năng lượng và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn. Tokyo muốn tạo động lực mới cho khu vực tư nhân đầu tư và các tổ chức cho vay vào châu Phi với các khoản vay ưu đãi, trong bối cảnh nợ của các chính phủ châu Phi tăng cao gây khó khăn trong tìm kiếm nguồn cho vay khác. Những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả hơn, góp phần gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản ở châu Phi.
Gửi phản hồi
In bài viết