Nhật Bản tạo điều kiện cho công dân nước ngoài trong vấn đề thị thực

Theo Nikkei Asia ngày 8-3, nhằm đơn giản hóa các thủ tục cư trú, kể từ tháng 4-2021, Nhật Bản sẽ cho phép công dân nước ngoài sinh sống tại quốc gia này đổi mới, gia hạn hoặc thay đổi thị thực theo hình thức trực tuyến. Công dân nước ngoài tại Nhật Bản cần thay đổi tình trạng cư trú trong một số trường hợp như tốt nghiệp, có việc làm hoặc kết hôn với công dân Nhật Bản.


Công dân nước ngoài xếp hàng bên ngoài Cục Dịch vụ di trú Tokyo tháng 5-2020. Ảnh: Nikkei Asia

Bộ Tư pháp Nhật Bản có kế hoạch cải cách hệ thống thị thực nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và tạo thuận tiện hơn cho công dân nước ngoài. Hiện tại, trong hầu hết các trường hợp, công dân nước ngoài phải đến văn phòng dịch vụ cư trú khu vực để thay đổi tình trạng cư trú. Các đơn đăng ký trực tuyến thay đổi tình trạng cư trú chỉ được xét duyệt khi các công ty và tổ chức đứng ra đại diện cho những người nộp đơn.

Dựa trên hệ thống mới sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 4 tới, công dân nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản có thể đăng ký thay đổi tình trạng cư trú thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Để xác nhận danh tính, người nộp đơn cần nhập số thẻ cư trú và thực hiện các bước bổ sung nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. 

Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng đã dành 1,25 tỷ yên (tương đương 11,5 triệu USD) trong khoản ngân sách bổ sung thứ ba cho năm tài chính 2020 để trang trải chi phí nâng cấp hệ thống máy tính, qua đó tăng cường tính xác thực của việc xác nhận danh tính.

Đồng thời, bộ này lên kế hoạch triển khai một hệ thống mới yêu cầu người nộp đơn cung cấp các tài liệu điện tử cho thấy họ đáp ứng những điều kiện về tình trạng cư trú muốn đăng ký, bao gồm hợp đồng lao động hoặc giấy tờ hôn nhân với công dân Nhật Bản. 

Theo Cơ quan Di trú Nhật Bản (ISA), trong năm tài chính 2019 đã kết thúc vào tháng 3-2020, khoảng 770.000 đơn xin gia hạn thị thực và 280.000 đơn thay đổi tình trạng cư trú đã được chấp thuận. Tuy nhiên, các đơn trực tuyến chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số đơn. 

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục