Nhật Bản thông qua luật quốc hữu hóa cơ sở sản xuất trang thiết bị quốc phòng

Hôm qua, 7-6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật về quốc hữu hóa các cơ sở sản xuất trang thiết bị quốc phòng, từ đó tạo ra hệ thống mua lại hoặc thực hiện cơ chế thuê ngoài để hỗ trợ các công ty sản xuất quốc phòng đang gặp khó khăn.

Luật mới nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng bằng cách củng cố nền tảng sản xuất và phát triển sản phẩm đã được thông qua với đa số phiếu tại cuộc họp lưỡng viện Nhật Bản.

Theo đó, nếu các công ty gặp khó khăn trong việc duy trì những hoạt động sản xuất liên quan đến quốc phòng, nhà nước sẽ mua các nhà máy và cơ sở liên quan để sản xuất thiết bị được coi là không thể thiếu đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hoặc thuê công ty bên ngoài tham gia quy trình sản xuất.


Quốc hội Nhật Bản thông qua luật quốc hữu hóa các cơ sở sản xuất trang thiết bị quốc phòng. Ảnh: Kyodo

Thông qua hệ thống mới, Nhật Bản kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng đầu tư ban đầu đối với các công ty được giao nhiệm vụ tiếp quản các hoạt động sản xuất trang thiết bị quốc phòng. Từ đó hướng đến mục tiêu duy trì các cơ sở phát triển và sản xuất trang thiết bị quốc phòng của quốc gia.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia sửa đổi được công bố hồi tháng 12-2022, Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các cơ sở công nghệ và sản xuất trang thiết bị quốc phòng, đồng thời, đánh giá những cơ sở này thể hiện “năng lực phòng thủ quốc gia”.

Theo luật được ban hành, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các công ty đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hợp lý hóa quy trình sản xuất, tăng cường an ninh mạng và tiến hành chuyển tiếp hoạt động kinh doanh.

Nhật Bản cũng sẽ thành lập một quỹ trợ cấp chi phí thay đổi thông số kỹ thuật và hiệu suất của trang thiết bị quốc phòng nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Luật mới cũng đề cập đến hoạt động bảo mật thông tin. Những thông tin về trang thiết bị quốc phòng do Bộ Quốc phòng cung cấp được xem là bí mật. Nhân viên công ty hoặc những trường hợp khác gây rò rỉ thông tin sẽ đối diện án tù 1 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 Yên.

Các công ty cũng sẽ có nghĩa vụ trả lời những khảo sát của Bộ quốc phòng để chính phủ có thể nắm được bức tranh toàn cảnh về chuỗi cung ứng trang thiết bị quốc phòng.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục