Tế bào iPS. (Nguồn: Asia Nikkei)
Một nhóm nghiên cứu của Nhật Bản vừa tìm ra phương thức hiệu quả để tạo ra các tế bào miễn dịch từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) để sử dụng trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch.
Trong liệu pháp miễn dịch tế bào T thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR-T) hiện nay dành cho các bệnh nhân ung thư máu, các tế bào miễn dịch được lấy từ cơ thể bệnh nhân, sau đó được chỉnh sửa gene để tăng khả năng tấn công các tế bào ung thư, rồi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.
Trong liệu pháp mới, nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Shin Kaneko thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào iPS từ Đại học Kyoto dẫn đầu, đã tạo ra các tế bào miễn dịch từ các tế bào iPS thay vì lấy các tế bào của bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu đã can thiệp để cải thiện các đặc tính chống ung thư của các tế bào miễn dịch có nguồn gốc từ iPS và truyền các tế bào này vào những con chuột thí nghiệm đã được cấy tế bào ung thư trước đó.
Nhóm nghiên cứu cho biết liệu pháp mới này đã giúp ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể chuột thí nghiệm.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, liệu pháp mới có chi phí thấp hơn so với liệu pháp CAR-T hiện tại, cho phép tạo ra các tế bào miễn dịch hiệu quả từ các tế bào iPS với chi phí thấp hơn, sau đó sử dụng những tế bào này cho nhiều bệnh nhân.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Kaneko, việc kết hợp phương pháp tạo ra tế bào miễn dịch mới với các liệu pháp hiện có, chẳng hạn những liệu pháp sử dụng thuốc chống ung thư, sẽ giúp tạo ra một phác đồ điều trị mới hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết