(Nguồn: asahi.com)
Các nhà khoa học Nhật Bản vừa thành công trong việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và robot để phát triển một hệ thống hoàn toàn tự động phục vụ cho việc nuôi cấy tế bào gốc đa năng (iPS) cảm ứng thành mô người.
Tế bào iPS được sử dụng để tạo ra tất cả các loại mô của con người nhưng cho đến nay, quá trình nuôi cấy iPS vẫn đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của con người trong việc nhắm vào các mô và cơ quan để điều trị cũng như các mục đích khác. Do chỉ cần có sự khác biệt nhỏ trong kỹ thuật cũng có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng của các tế bào nên rất khó để các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ các kỹ thuật này ở bất kỳ mức độ nào.
Để vượt qua thách thức đó, nhóm nghiên cứu, trong đó có các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Riken, đã sử dụng AI và một người máy có hình dạng giống người cho các thí nghiệm sinh học nhằm xác định các điều kiện lý tưởng để tạo ra các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, vốn cung cấp chất dinh dưỡng cho các tế bào thị giác cảm nhận ánh sáng, từ các tế bào iPS.
Theo nhật báo Asahi, hệ thống robot được các nhà khoa học lập trình để theo dõi phương pháp nuôi cấy tế bào thủ công thông thường. Với tổng số 144 tình huống được xem xét, thuật toán tối ưu hóa của AI đã đánh giá kết quả nuôi cấy tế bào và cuối cùng đưa ra quyết định về kỹ thuật nuôi cấy tốt nhất.
Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào thành phẩm có chất lượng cao như các tế bào do các nhà khoa học làm ra.
Ông Genki Kanda, một nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Riken, cho biết: “Vai trò của con người và robot sẽ ngày càng tách biệt trong các phát minh của chúng tôi. Robot sẽ giải quyết các nhiệm vụ đã được lập trình, trong khi con người sẽ đảm nhận những công việc khó khăn hơn”.
Gửi phản hồi
In bài viết