Nhật Bản và Mỹ nhanh chóng đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự

Hôm nay (17/2), Nhật Bản và Mỹ đã đạt thỏa thuận về kéo dài thêm một năm Hiệp định đặc biệt liên quan đến chia sẻ chi phí cho các hoạt động đồn trú của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Đây là đề xuất của phía Nhật Bản và đã được phía chính phủ Mỹ chấp thuận. Hiệp định hiện hành sắp hết hạn vào tháng 3 tới. Theo thỏa thuận mới, hiệp định này sẽ được thông qua tại Quốc hội.

Trong buổi họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết, việc hai bên đạt thỏa thuận sớm về chia sẻ chi phí quân sự ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống thể hiện sự tin tưởng cao của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, đồng thời nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.

Cuối năm 2020, Nhật Bản đã không đạt được thỏa thuận với Mỹ về chia sẻ chi phí cho các hoạt động đồn trú quân Mỹ tại Nhật Bản trong năm 2021 khi đưa ra mức chi phí khoảng 1,91 tỷ USD. Phía Mỹ yêu cầu điều chỉnh mức phí này và sẽ thỏa thuận vào kỳ quyết định năm tài khóa tiếp theo.

(Ảnh minh họa: Council Foreign Relation)

Thông thường, Mỹ và Nhật Bản cứ 5 năm một lần sẽ thương lượng về mức phí này. Tuy nhiên, năm 2021 bị chậm lại do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó yêu cầu phía Nhật tăng mức chi phí lên. Phía Nhật Bản đã không chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng ngay trong tháng 2 này.


Trước đó, vào cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã đề cập tới khả năng đưa ra một thỏa thuận tạm thời có hiệu lực trong vòng 1 năm thay vì thỏa thuận có thời hạn 5 năm như thường lệ.

Hiện mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật vẫn được coi là một trụ cột trong chiến lược của Mỹ tại châu Á. Hiện có khoảng 54.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và lực lượng này cho phép Mỹ dễ dàng triển khai sức mạnh ra toàn khu vực Thái Bình Dương. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu các lực lượng quân sự Mỹ rút hoàn toàn khỏi Nhật Bản, đây sẽ được xem là “chiến thắng chiến lược” dành cho các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc hay Triều Tiên./

Theo VOV.vn

Tin cùng chuyên mục