Trận động đất tuy lớn nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể cho các quốc gia xung quanh.
Theo hãng thông tấn Kyodo, tới 9 giờ sáng 3-12 (giờ địa phương) Nhật Bản đã dỡ bỏ tất cả các cảnh báo sóng thần.
Về phần mình, Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines cũng cho biết, đã ghi nhận những con sóng cao nhất khoảng 64 cm ở đảo Mawes sau khi trận động đất xảy ra, nhưng nhấn mạnh các cảnh báo sóng thần tới nay "đã kết thúc".
Trước đó, trận động đất đã kích hoạt cảnh báo sóng thần trên khắp khu vực Thái Bình Dương và khiến cư dân ở phía đông bắc Mindanao (Philippines) phải sơ tán khỏi các tòa nhà để lên các vùng đất cao hơn. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng đặt tất cả tàu và máy bay trong biến chế vào tình trạng sẵn sàng điều động.
Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) khi đó cũng ban bố cảnh báo sóng thần dọc bờ biển phía Tây tiếp giáp Thái Bình Dương của nước này. Cùng lúc, hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ phát đi cảnh báo với dự đoán sóng thần có thể cao tới 3m so với mực thuỷ triều trung bình.
Cơ quan chức năng Nhật Bản cho biết, đã quan sát thấy sóng thần cao khoảng 40 cm vào lúc 4 giờ 27 phút sáng ở đảo Hachijojima (cách Thủ đô Tokyo 290km về phía Nam). Sóng thần cao khoảng 20 cm cũng được ghi nhận tại Kushimoto (tỉnh Wakayama) và Tosashimizu (Kochi) vào khoảng 5 giờ sáng.
Trong sáng 3-12, hàng chục dư chấn với cường độ lớn nhất 6,5 độ richter... vẫn xảy ra liên tục, theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Philippines cho biết, các báo cáo trên phương tiện truyền thông xã hội về một cơn sóng thần tấn công thành phố Lingig, cách Hinatuan khoảng 35 km về phía nam, là "tin giả".
Gửi phản hồi
In bài viết