Một nhân viên y tế ở Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: japantimes.co.jp
Trước đó, ngày 28-7, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo cảnh báo nghiên cứu của họ nhận thấy biến thể Lambda, biến thể rất phổ biến ở Mỹ Latin, có khả năng lây cao và kháng vắc xin COVID-19 nhiều hơn.
Theo báo Japan Times ngày 6-8, ngành y tế Nhật Bản xác nhận trường hợp nhiễm biến thể Lambda đầu tiên của nước này ở một người Nhật khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20-7. Cô nhập cảnh tại sân bay quốc tế Haneda và không có triệu chứng nhiễm COVID-19.
Xét nghiệm tại khu cách ly ở sân bay cho thấy nữ hành khách này dương tính với COVID-19. Kết quả phân tích của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda.
Hiện biến thể Lambda đã có mặt ở ít nhất 41 quốc gia.
Từ ngày 14-6, biến thể Lambda đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), mức thấp hơn các biến thể cần quan tâm (VOC) như biến thể Delta.
Theo thống kê của WHO, khoảng 81% người nhiễm COVID-19 ở Peru kể từ tháng 4-2021 là nhiễm biến thể Lambda.
Hiện nay biến thể chiếm ưu thế ở Nhật Bản cũng như nhiều khu vực trên thế giới đang là biến thể Delta.
Mặc dù đến nay chưa thể xác định liệu biến thể Lambda có nguy hiểm hơn biến thể Delta hay không, nhưng tiến sĩ Kei Sato, nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Tokyo, cảnh báo biến thể Lambda có thể trở thành "mối đe dọa tiềm tàng" với xã hội loài người.
Thực tế cũng cho thấy sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang trở thành mối đe dọa với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Á.
Ngoài Lambda, trong danh sách các "biến thể cần quan tâm" còn có Eta, Iota và Kappa. Các biến thể này đều được cho có khả năng lây lan hoặc kháng vắc xin cao hơn các biến thể thông thường.
Gửi phản hồi
In bài viết