Thí nghiệm này chứng minh độ hiệu quả của động cơ kích nổ quay (RDE) biến đổi sóng xung kích phát ra khi hỗn hợp khí methane và oxy nổ tạo ra lực đẩy.
Hiện nay, JAXA chỉ ra công nghệ có tiềm năng ứng dụng trong khám phá không gian sâu. Bằng cách tạo ra vụ nổ và sóng nén ở tần số cực cao (100 kHz), động cơ kích nổ tăng cường tốc độ phản ứng, giảm trọng lượng động cơ tên lửa, cho phép tạo lực đẩy hiệu quả hơn, qua đó nâng cao hiệu suất.
Hệ thống động cơ mới được lắp đặt trên phương tiện Số 31 của loạt tên lửa nghiên cứu S-520 do Viện Khoa học Hàng không và Vũ trụ vận hành. Tên lửa cất cánh từ Trung tâm Không gian Uchinoura của JAXA hôm 27/7. Động cơ kích nổ quay tạo ra lực đẩy khoảng 500 Newton khi tầng đầu tiên tách ra, chỉ bằng một phần nhỏ so với động cơ tên lửa thông thường. Tuy nhiên, thành công của thí nghiệm này củng cố khả năng sử dụng RDE trong các ứng dụng thực tế, bao gồm motor tên lửa để khám phá không gian sâu, động cơ ở tầng thứ nhất và thứ hai.
Trong tương lai, JAXA lên kế hoạch ứng dụng công nghệ động cơ kích nổ không chỉ trong nhiệm vụ khám phá không gian mà cả nhiều hoạt động khoa học khác. Việc giảm kích thước và trọng lượng của hệ thống tàu vũ trụ có thể hỗ trợ nhiều cho chuyến bay liên hành tinh. "Chúng tôi hướng tới đưa công nghệ vào thực tiễn trong khoảng 5 năm", Jiro Kasahara, giáo sư ở Đại học Nagoya tham gia phát triển công nghệ cùng với JAXA, chia sẻ.
JAXA không phải cơ quan duy nhất phát triển công nghệ động cơ kích nổ. Vài tổ chức của Mỹ cũng đang tìm cách triển khai RDE. Hải quân Mỹ rất quan tâm tới khả năng giảm tiêu thụ nhiên liệu của RDE trên những phương tiện hạng nặng. Tháng 5/2020, một nhóm kỹ sư Không quân Mỹ tuyên bố chế tạo mô hình thử nghiệm của RDE có thể cung cấp lực đẩy 890 Newton thông qua sử dụng hỗn hợp nhiên liệu hydro/oxy.
Gửi phản hồi
In bài viết