“Săn” ảnh mùa xuân
Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết đến xuân về, các nghệ sỹ nhiếp ảnh lại bận rộn đi sáng tác ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Đặc biệt, mùa xuân ở vùng cao luôn là điểm đến của những “tay máy”. Là người mê chụp ảnh, đặc biệt là ảnh vùng cao, nhiếp ảnh gia Hà Ngọc Hà không còn nhớ nổi mình đã đi mòn đế bao nhiêu đôi giày để “săn” được những khoảnh khắc đẹp và nên thơ.
Anh Hà bảo: “Tuyên Quang bước vào mùa xuân khoác lên mình chiếc áo mới tươi trẻ đầy sức sống. Ở khắp các bản làng, hoa đào, hoa mận, hoa cải, hoa lê nở rộ, tạo nên những sắc màu sinh động tưng bừng dưới nắng xuân. Cái rét tê tái không còn nữa, ánh nắng nhè nhẹ của mùa xuân len lỏi qua những rặng núi cao, tỏa khắp những con đường nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo”.
Khung cảnh đó khiến cảm xúc thăng hoa để anh tạo ra những bức ảnh ấn tượng như: Nắng xuân, Xuân về trên bản làng, Bình yên mùa xuân, Nắng mới...
Tác phẩm Xuân về trên bản của tác giả Lê Đức.
Còn với anh Lê Đức vào dịp này anh thích nhất là được chụp những triền đồi, những cung đường mùa xuân với cỏ cây xanh mướt, loài hoa cải vàng, hoa lê, hoa mận nở bung sắc trắng, hoa đào tươi thắm... Tất cả tạo nên không gian bình yên, trào dâng sức sống với những tác phẩm như: Thiếu nữ Dao Tiền vào xuân, Mùa xuân mùa yêu, Hoa cải vàng... Ngắm ảnh mùa xuân của Lê Đức người xem được chìm đắm trong sắc màu ấm áp với những gam màu ấn tượng. Ảnh của anh phảng phất chút hội họa, gợi cảm giác hoài niệm, lưu luyến với những khoảnh khắc đẹp mê hồn.
Những góc ảnh giá trị
Đối với các nhiếp ảnh gia như Hà Thế Đô, Thế Sơn, Phạm Khánh Dương thì mùa xuân cũng đầy cảm xúc và chứa chan bao điều muốn nói. Trong khung cảnh tươi đẹp giao hòa thiên nhiên và lòng người, những tay máy luôn tìm cách chọn những góc ảnh đầy giá trị. Anh Phạm Khánh Dương thích thú với vườn hoa đào Nông Tiến ngày Tết. Dù bận thế nào anh cũng bố trí thời gian để ngày đẹp trời chụp hoa đào xuân. Cảnh người ta bán, mua đào rồi người ta vãn cảnh, những cô gái xuân thì xúng xính trong bộ áo dài chụp ảnh lưu niệm nhộn nhịp cả một vùng. Chỉ cần đưa máy lên, chớp được những khoảnh khắc là có một tác phẩm “xuân” sinh động, tươi đẹp, đầy sức sống. Khánh Dương có nhiều tác phẩm như: Thiếu nữ và hoa đào, Mùa hồng của em, Rộn ràng tuổi đôi mươi...
Tác phẩm Bình yên mùa xuân của Hà Ngọc Hà.
Chắc hẳn rằng mùa xuân ở thành Tuyên không nhiếp ảnh gia nào không thích thú khi đến với chợ hoa ngày Tết. Phố phường thành Tuyên khoác lên một tấm áo mới rực rỡ sắc hoa. Mỗi tác giả lựa chọn góc hình và cách thể hiện khác nhau tạo nên một không gian xuân đa sắc màu. Đến với Dạo phố ngày xuân của Thế Sơn chúng ta bắt gặp một tác phẩm có bố cục chặt chẽ. Tiền cảnh là những chậu hoa đua nhau khoe sắc, xa xa là hình ảnh hai chị em dắt tay nhau cùng ngắm phố phường. Tác phẩm đã lột tả được sức sống của cảnh vật và con người khi Tết đến xuân về.
Khung cảnh tươi đẹp mùa xuân hút hồn bao người, thế nhưng với Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh lại rất thích thú khi khắc họa những biểu cảm trên khuôn mặt của những con người vùng cao. Đó là sự hân hoan, vui tươi, rạo rực của những em bé người Tày, người Mông, Dao nơi bản làng xa xôi trong tác phẩm: Những em bé của mùa hoa cải, Em bé trên dốc núi, Ba chị em... Hay đó là nụ cười tràn đầy sức sống của cô thiếu nữ trong phiên chợ cuối năm trong Xuân sang, Tình yêu chớm nở... Hay đó là gương mặt in hằn những nếp nhăn của những ông cụ, bà cụ già, ánh mặt lại rạng rỡ hạnh phúc khi xuân sang.
Tác phẩm Ba chị em của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh.
Ngắm ảnh mùa xuân của Quang Minh người xem thấy được sự chỉn chu và con mắt nghệ thuật của ông tạo nên giá trị tác phẩm đi cùng năm tháng. Từ bố cục, cách lấy nét, ánh sáng đều rất phù hợp, có ý tưởng rõ ràng. Tiền cảnh, hậu cảnh được làm mờ nhằm làm nổi bật chủ thể đó là gương mặt rạng rỡ, đôi mắt có hồn, nụ cười hân hoan, vui tươi của nhân vật mỗi mùa xuân về. Từ họ tỏa ra một sự ấm áp lạ lùng. Đến nỗi nhìn ảnh, ta không thể không yêu lấy cuộc đời mình đang sống, cảm thấy cần trân trọng và tha thiết với nhau hơn.
Các nhiếp ảnh gia thường nói vui với nhau rằng, tất cả sẽ qua đi chỉ còn những bức hình ở lại, sự ví von này quả thực rất đúng. Những bức ảnh được chụp lại sẽ trở thành nguồn tư liệu quý đánh dấu cho sự đổi thay của quê hương mỗi mùa xuân sang. Mai đây, dù cuộc sống kinh tế có nhiều thay đổi, khởi sắc hơn nữa thì vẻ đẹp thiên thiên khi xuân sang và tình cảm của đồng bào miền núi vẫn luôn là thứ “thuốc mê” làm say lòng những người cầm máy.
Gửi phản hồi
In bài viết