Lượng hóa, chuẩn hóa những quy định về ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu khoa học
của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Ảnh minh họa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây là quy chế nhằm thay thế cho quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới có những điều chỉnh khoa học, khách quan và công bằng trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Đáng chú ý là tiếp tục mở rộng tự chủ và trách nhiệm giải trình; lượng hóa, chuẩn hóa những quy định về ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh; quy định về tổ chức và quản lý đào tạo linh hoạt hơn.
Thứ nhất, để mở rộng tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), Quy chế tiếp tục giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết, thay vào đó, yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục liên quan.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cao hơn về việc tổ chức triển khai thực hiện từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Thứ hai, để lượng hóa, chuẩn hóa những quy định, đối với người dự tuyển, Quy chế bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ (sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL,…).
Các bài báo, báo cáo khoa học trong danh mục tạp chí World of Sciences (WoS) và Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và đầu ra của nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, Quy chế bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Các ghi nhận chỉ áp dụng nếu là tác giả chính.
Quy chế cũng cho phép thay thế các công bố nghiên cứu khoa học bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cách tính điểm sẽ căn cứ theo khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người hướng dẫn là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.
Thứ ba, nhằm đáp ứng hiệu quả trước sự thay đổi trong quá trình đào tạo, các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo trong Quy chế này linh hoạt hơn và do cơ sở tự chủ quyết định.
Theo đó, người học được tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập trong thời gian nhất định để tiếp tục theo học và nghiên cứu nếu có nhu cầu.
Quy chế điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian. Quy định này nhằm thu hút, tận dụng tri thức của những người đủ điều kiện để đóng góp vào công tác nghiên cứu, đào tạo thế hệ tương lai, nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo.
Cụ thể: Giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.
Các mốc thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3-4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thành các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm theo tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.
Để bảo đảm khách quan, công bằng và xác định đúng vai trò của phản biện độc lập, quy trình phản biện cũng có thay đổi. Phản biện độc lập là một trong những kênh hỗ trợ cho cơ sở đào tạo nhìn nhận lại chất lượng đào tạo. Đánh giá của các chuyên gia bên ngoài cơ sở đào tạo về chất lượng luận án của nghiên cứu sinh là căn cứ để cơ sở đào tạo có giải pháp cải tiến quy trình đào tạo và nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, quy trình phản biện có thể tiến hành đến 2 lần, tăng so với 1 lần như quy định trước, nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.
Thông tư 18 có hiệu lực thi hành từ 15/8/2021.
Gửi phản hồi
In bài viết