Cùng với Custin, Palisade là mẫu xe mới nhất của Hyundai trình làng tại Việt Nam.
Tại Hà Nội và khu vực miền Trung, mức kênh giá 70-80 triệu đồng áp dụng với bản Palisade Prestige 6 chỗ cao cấp nhất (giá 1,589 tỷ đồng). Với bản 6 chỗ Exclusive (giá 1,479 tỷ đồng), mức kênh giá 40-60 triệu đồng. Trong khi đó, mức trội cao nhất ở thành phố Hồ Chí Minh là 50 triệu đồng với Prestige 6 chỗ và khoảng 20 triệu đồng với bản Exlusive.
Nếu không chấp nhận trả thêm tiền, khách mua xe vẫn có thể mua giá đúng mức đề xuất của TC Motor (đơn vị lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) nhưng phải chấp nhận “không chắc về thời điểm giao xe”. Các đại lý của hãng xe Hàn Quốc cũng cho biết, lúc này không cho phép khách hàng ký chờ, mà ưu tiên giao thẳng xe có sẵn trong kho.
Dĩ nhiên, Palisade không phải mẫu xe duy nhất kênh giá lúc này. Theo ghi nhận, hầu hết các dòng xe đắt khách đều đang chứng kiến mức tiền tới tay khách hàng cao hơn so với niêm yết. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hầu hết các mẫu xe khác đều có giá bán trội hơn quy đổi sang gói phụ kiện.
Trên toàn quốc, Honda CR-V e: HEV RS (hybrid) có thể giao xe trong tháng 11 nếu khách hàng trả thêm khoảng 15 triệu đồng mua các phụ kiện như lót sàn hay camera hành trình. Nếu không chấp nhận phương án này, thời gian chờ nhận xe cũng khá bất định, có thể tháng 12 hoặc sang năm 2024.
Tương tự, Innova Cross “bán kèm” gói phụ kiện 40-50 triệu đồng, với “thỏa thuận giá dựa trên nhu cầu của khách hàng, không bắt buộc”.
Ra mắt hồi cuối tháng 10, Honda CR-V thế hệ mới bán tại Việt Nam với 4 phiên bản có giá khởi điểm từ 1,109 tỷ đồng.
Trao đổi với một số đại lý ô tô, được biết hiện tượng giá bán xe cao chủ yếu do nguồn cung đang không theo kịp nhu cầu. Nhận định này hợp lý trong bối cảnh nhiều mẫu xe “ế” lại đang chứng kiến giá bán giảm mạnh. Ví dụ, Hyundai Stargazer đang bán thấp hơn khoảng 100 triệu đồng so với niêm yết. Trong khi đó, chiếc xe đa dụng (MPV) Custin dù ra mắt cùng với Palisade nhưng có sức bán không quá ấn tượng, nên không bị chênh giá.
Trong thời gian tới, tình trạng khan nguồn cung với một số mẫu xe nhất định được dự báo sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là với một số thương hiệu Nhật Bản và Mỹ, trong bối cảnh hoạt động sản xuất tại các quốc gia này bị gián đoạn bắt đầu lan tỏa tác động trên toàn cầu.
Các ý kiến chuyên môn cũng khuyến nghị, người tiêu dùng nên ưu tiên trực tiếp đàm phán với các đại lý để tìm tiếng nói chung. Bởi lẽ, việc quyết định giá bán tới tay người tiêu dùng là do đại lý đảm nhận. Trong khi đó, ngoại trừ một số ít đại lý trực thuộc, nhà sản xuất về cơ bản là “hết trách nhiệm” trong vấn đề giá cả sau khi bán xe cho các đại lý đối tác.
Gửi phản hồi
In bài viết