Người dân chờ nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Rafah (Dải Gaza). Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc Cindy McCain cho biết, việc phân phối viện trợ qua bến tàu do Mỹ xây dựng ngoài khơi Gaza đã tạm dừng vô thời hạn vì lo ngại về an toàn trong bối cảnh các cuộc tấn công của Israel. Cũng theo quan chức này, hai trong số các nhà kho của WFP trong khu vực đã trúng tên lửa, một người bị thương. Trong khi đó, Washington thông báo đã nối lại việc thả hàng viện trợ bằng đường không vào Gaza. Một máy bay chở hàng của nước này đã thả hơn 10 tấn khẩu phần xuống miền Bắc Gaza trong ngày 9-6 (giờ địa phương). Theo truyền thông địa phương, ngoài lương thực, nước cũng đang dần khan hiếm tại Gaza, sau khi nhiều giếng nước và đường ống dẫn nước đã bị phá hủy. Việc tiếp cận nước vì thế đã trở thành một cuộc đấu tranh hằng ngày của người Palestine ở vùng ven biển.
Trong diễn biến liên quan, Hamas đã lên tiếng cáo buộc Israel phạm "tội ác chiến tranh có hệ thống" khi tiến hành cuộc đột kích đẫm máu vào trại tị nạn Nuseirat khiến ít nhất 274 người Palestine, trong đó có khoảng 64 trẻ em thiệt mạng; khoảng 700 người khác bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Lực lượng này cũng xác nhận cuộc tấn công đã giải thoát 4 con tin, nhưng khiến 3 tù nhân khác, trong đó có 1 công dân Mỹ thiệt mạng.
Cũng trong ngày 10-6, ông Saleh Abdel Shafi, đại diện thường trực Palestine tại cơ quan nguyên tử quốc tế của Liên hợp quốc đã kêu gọi điều tra xem liệu Israel có sử dụng uranium nghèo trong đạn dược sử dụng trong cuộc chiến ở Dải Gaza hay không.
Gửi phản hồi
In bài viết