Tạo điều kiện cho “bà hỏa” ghé thăm
Những hình ảnh dễ bắt gặp tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh là tình trạng hàng hóa dễ cháy xếp tràn lan, lấn chiếm đường nội chợ, dây điện quấn lấy nhau, móc nối nhằng nhịt như mạng nhện để treo bóng đèn, khu vực lắp đặt thiết bị chữa cháy đã ít lại bị che khuất bởi hàng hóa và xe cộ.
Chợ Tam Cờ được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1998. Chợ có 500 hộ kinh doanh với hơn 300 ki ốt bán hàng. Có mặt tại chợ, chúng tôi nhận thấy tại các nhà đình trong chợ đều có biển báo, nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy. Các thiết bị và phương tiện phòng, chữa cháy được đặt ở vị trí thoáng, thuận tiện cho việc ứng cứu khi có cháy.
Tuy nhiên, mặc dù đã có biển cấm để xe, bày bán hàng hóa và các dụng cụ khác tại các địa điểm này nhưng các hộ kinh doanh vẫn để rất nhiều hàng hóa che lấp cả các phương tiện phòng, chữa cháy. Các ki ốt bán hàng được bố trí san sát với nhiều loại hàng hóa dễ cháy như giày dép, hàng hương, vàng mã... Một số hộ kinh doanh sử dụng điện chưa luồn dây trong ống gen, không có aptomat riêng biệt, sử dụng quạt điện, bóng đèn điện dùng dây dẫn cắm trực tiếp vào ổ cắm.
Khu vực lắp đặt thiết bị chữa cháy tại chợ Tam Cờ trở thành nơi để xe.
Trao đổi về những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý chợ thành phố cho biết, do chợ Tam Cờ đã đầu tư xây dựng từ lâu, đường ống nước có hiện tượng rò rỉ, đường điện xuống cấp, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên Ban Quản lý chưa thể khắc phục được. Ông đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương dành nguồn vốn để đầu tư sửa chữa đường điện, đường nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hộ vi phạm quy định kinh doanh, đặc biệt là vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý việc người dân đưa phương tiện vào chợ, Ban Quản lý chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở nên vẫn còn tình trạng xe máy, xe đạp dựng ngổn ngang trong chợ.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Bài học nhãn tiền tại 2 vụ cháy chợ trung tâm Chiêm Hóa năm 2007 và chợ Phan Thiết năm 2008 đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thế nhưng, thực tế cho thấy tại các chợ dân sinh vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ vẫn đang ở mức thấp, tình trạng chập cháy điện gây ra hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Năm 2007, tại chợ trung tâm huyện Chiêm Hóa đã xảy ra một vụ cháy do chập điện, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các hộ kinh doanh. Nhưng đến nay, nhiều hộ kinh doanh vẫn thờ ơ, coi công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Trong chợ, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn phòng cháy chữa cháy để làm mái che, mái vẩy cản trở các phương tiện chữa cháy khi xảy ra cháy nổ vẫn còn phổ biến; một số hộ bày bán hàng hóa lấn chiếm đường nội chợ làm cho lối đi lại chật hẹp. Tại khu chợ B, hệ thống điện được đầu tư từ những năm 2000, dây dẫn điện cũ, đấu nối chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ quá tải, mất an toàn, dễ xảy ra chập cháy.
Ổ điện của một hộ kinh doanh tại chợ Chiêm Hóa.
Chị Phan Ngọc Tuyết, tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại chợ Chiêm Hóa chia sẻ: Nguồn hàng nhập về để bán là rất lớn trong khi diện tích ki ốt chật hẹp, không còn cách nào khác chị phải treo san sát và để chồng chất lên như một nhà kho. Tại ki ốt đã có trang bị bình chữa cháy nhưng chị không biết cách sử dụng.
Ông Lâm Văn Chung, Trưởng Ban Quản lý chợ trung tâm Chiêm Hóa cho biết, tại khu A đã có hệ thống chữa cháy tự động, tuy nhiên hệ thống chữa cháy tự động không ở chế độ thường trực tự động, nếu có đám cháy xảy ra sẽ không phát hiện được và không tự động chữa cháy hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền hướng dẫn, Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên kiểm tra các tiểu thương, hộ kinh doanh về thực hiện các yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy. Đối với các hộ chưa chấp hành tốt quy định phòng cháy, Ban Quản lý đã lập biên bản và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Trường Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, địa phương đã nắm được những khó khăn, hạn chế, bất cập trong hệ thống phòng chống cháy nổ tại chợ và cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Chiêm Hóa về vấn đề này. Đến nay, chủ trương xây dựng mới khu B đã được UBND huyện phê duyệt, đơn vị quyết tâm hoàn thành xây dựng chợ khu B trong năm 2021 để không còn nỗi lo cháy nổ tại chợ.
Để khắc phục hạn chế bất cập trong công tác phòng, chữa cháy tại các chợ, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của Ban Quản lý các chợ, các hộ kinh doanh về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; khuyến cáo tiểu thương sử dụng nguồn lửa, nguồn điện đúng quy định; hàng năm ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy với các hộ kinh doanh; yêu cầu Ban Quản lý chợ hàng ngày phải tổ chức tuyên truyền trên loa để cán bộ, công nhân viên, tiểu thương và khách hàng nâng cao ý thức phòng ngừa, tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phương tiện, dụng cụ thường xuyên.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 chợ truyền thống, đây là nơi tập trung số lượng lớn người và hàng hóa nên việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy cần phải đặt lên hàng đầu. Để công tác phòng, chữa cháy đạt hiệu quả đòi hỏi mọi người, mọi nhà, các ngành chức năng và chính quyền địa phương luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là, xác định phòng ngừa là chính, đừng để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Gửi phản hồi
In bài viết