Kiểm tra "thẻ xanh" đối với đội ngũ giáo viên tại Italia.
Châu Á
Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và được dự báo sẽ sớm bắt kịp Mỹ về số người được tiêm mũi thứ hai. Một quan chức Hàn Quốc cho biết, nước này nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin trước cuối tuần này.
Trong khi đó, Nhật Bản đã tiêm khoảng 1 triệu mũi vắc xin/ngày cho người dân kể từ giữa tháng 6, do mức độ khẩn cấp tăng lên sau khi biến chủng Delta gây ra một làn sóng ca mắc và ca bệnh nghiêm trọng chưa từng có vào tháng 8. Đến ngày 17-9, ít nhất 65,1% dân số Nhật Bản đã tiêm 1 liều vắc xin. Trong khi con số này tại Mỹ là 64,1%.
Tại Trung Quốc, hơn 1 tỷ người, tương đương 71% dân số, đã hoàn tất tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Còn Ấn Độ cho biết, 42% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
Cùng với nỗ lực tăng tốc tiêm phòng, một loạt nước châu Á đã thông báo các kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Từ ngày 17-9, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia được phép hoạt động trở lại, kể cả ở những bang đang trong giai đoạn I của kế hoạch phục hồi quốc gia. Các cửa hàng và dịch vụ như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em sẽ được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thảm, mỹ phẩm, thuốc lá, vốn được cho là những lĩnh vực kinh tế không thiết yếu trước đây, nay được phép mở cửa trở lại.
Trong khi đó, đảo Langkawi của nước này đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa trở lại đối với các du khách đã tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19, trong chương trình "du lịch bong bóng" nội địa, với các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Châu Âu
Tại châu Âu, các nước tiếp tục chính sách nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng. Italia có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng "thẻ xanh" từ ngày 15-10 tới nhằm tăng tỷ lệ tiêm vắc xin trước mùa đông năm nay.
"Thẻ xanh" là một hình thức chứng nhận cá nhân đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong 48 giờ trước đó. Theo luật mới, người lao động không có "thẻ xanh" sẽ bị phạt tiền lên tới 1.000 euro (1.177 USD). Ngoài ra, không loại trừ khả năng các trường hợp này còn có thể bị sa thải.
Đầu tháng này, Italia đã yêu cầu xuất trình loại thẻ này đối với giáo viên, cũng như tất cả những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, đi tàu hoặc xe buýt liên tỉnh hay bay nội địa.
Các bộ trưởng trong Chính phủ Italia cho rằng, việc sử dụng "thẻ xanh" là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.
Theo thống kê của Tổ chức y tế Gimbe, hầu như tất cả những bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện đều chưa được tiêm chủng. Vắc xin đã giúp giảm 96,3% ca tử vong, 93,4% số ca nhập viện và 95,7% số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt tại Italia.
Tại Pháp, khoảng 3.000 nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế buộc phải thôi việc do những người này không tuân thủ quy định tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định, quy định này sẽ không gây xáo trộn trong ngành Y tế với 27 triệu lao động.
Ông Olivier Veran nhấn mạnh, hầu hết những nhân viên bị buộc thôi việc chỉ đảm nhận vị trí phụ trợ trong lĩnh vực y tế và hơn nữa, việc cho nghỉ việc chỉ là tạm thời. Nhiều nhân viên y tế sau đó đã tiêm vắc xin.
Các nhà khoa học cho rằng, Covid-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn, dù rằng nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và thu được hiệu quả đối với chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Giới khoa học đều cho rằng, đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh. Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin.
Giáo sư Lone Simonsen - một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Roskilde ở Đan Mạch khẳng định: "Nếu không tiêm phòng, bạn sẽ giống như một mục tiêu dễ bị tấn công, vì vi rút sẽ lan rộng và tấn công hầu như tất cả mọi người vào mùa thu và mùa đông này".
Theo bà Lone Simonsen, trong 130 năm qua, thế giới ghi nhận 5 đại dịch cúm và trong 5 đại dịch trên, đợt lâu nhất kéo dài 5 năm. Các đại dịch còn lại bao gồm 2-4 đợt lây nhiễm trong thời gian trung bình 2 hoặc 3 năm.
Covid-19 được xác định là đại dịch nghiêm trọng hơn, khi thế giới đã bước sang năm thứ hai với làn sóng dịch bệnh thứ 3 và vẫn chưa thấy hồi kết. Do đó, vi rút SARS-CoV-2 có thể sẽ không đi theo con đường giống như các đại dịch trong quá khứ. Với con số tử vong là hơn 4,6 triệu người cho đến nay, số người tử vong vì Covid-19 đã gấp đôi so với bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Châu Mỹ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn lây lan trên khắp nước Mỹ, giới chức Los Angeles đã ban hành quy định chỉ những người đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 mới được tới các quán rượu và câu lạc bộ đêm. Quy định có hiệu lực từ tháng 10 tới.
Cũng theo quy định mới ban hành, người tham gia các sự kiện ngoài trời có quy mô hơn 10.000 người cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Los Angeles đến nay vẫn đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phần lớn các sự kiện trong nhà hoặc một số hoạt động ngoài trời.
Trước đó, thành phố San Francisco cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng vắc xin khi ăn tối tại các nhà hàng hoặc tới các khu vui chơi giải trí. Chính quyền thành phố New Orleans cũng công bố quy định tương tự.
Hiện còn một bộ phận người dân Mỹ không đi tiêm chủng vắc xin. Mặc dù việc tiêm chủng miễn phí và giới khoa học khẳng định vắc xin có hiệu quả cao trong phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm hoặc biến chứng nặng ở người mắc Covid-19, chỉ có 54% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, Cuba thông báo, sẽ xúc tiến quy trình xin cấp phép lưu hành vắc xin ngừa Covid-19 là Abdala và Soberana tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích sớm thương mại hóa rộng khắp 2 loại vắc xin này.
Trong nước, Cuba đã sử dụng hai loại vắc xin nói trên tiêm chủng cho người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ. Chương trình tiêm chủng của Cuba còn sử dụng vắc xin Sinopharm. Hiện có 38,5% dân số Cuba được tiêm chủng.
Gửi phản hồi
In bài viết