Giá gạo tại nhiều nước Đông Nam Á đã tăng mạnh trong những tuần qua.
Gạo là khẩu phần ăn chính trong thực đơn của gần 700 triệu người dân Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời tiết khô hạn bởi tác động của hiện tượng El Nino đã khiến việc trồng lúa ở nhiều quốc gia trong khu vực gặp khó khăn và sản lượng suy giảm mạnh, thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới hậu quả tất yếu là giá lương thực tăng phi mã. Thực trạng này thậm chí còn đáng ngại hơn trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt lúa gạo đã phủ bóng toàn cầu từ giữa năm 2023, nhất là sau khi nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu loại nông sản này.
El Nino đã khiến các cánh đồng lúa ở Indonesia chịu cảnh khô hạn trong nhiều tháng gần đây, dẫn tới tình trạng giá gạo nội địa tăng cao, và đạt đỉnh trong ngày 16-10 ở mức 13.910 rupiah/kg (tương đương khoảng 21.500 đồng/kg), cao hơn 20% so với tháng đầu năm. Nhiều nhà hàng tại đảo quốc ASEAN này đã phải tăng giá bán, thậm chí giảm khẩu phần cơm 1/3, thậm chí chấp nhận mua các loại gạo thứ cấp. Thiếu hụt nước cho vụ mùa cũng khiến nông dân ở nhiều khu vực của Indonesia, như Banten hay Trung Java, buộc phải chuyển sang canh tác ngô. Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo sản lượng gạo của quốc gia này năm 2023 sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn.
Tương tự, Malaysia, quốc gia thường nhập khẩu khoảng 38% nhu cầu gạo, cũng nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá gạo trắng nhập khẩu tại đây đã tăng hơn 30% chỉ trong tháng qua, và vẫn có xu hướng tăng mạnh do người dân đổ xô tích trữ dự phòng. Nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhỏ tại Malaysia đang trống kệ vì các bao gạo trắng nội địa loại 5kg và 10kg được khách hàng mua ngay khi có hàng. Chủ tịch Hiệp hội chủ nhà hàng Ấn Độ tại Malaysia Govindasamy Jayabalan bày tỏ lo ngại điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu gạo và tăng chi phí chế biến các món ăn truyền thống như bánh thosai (làm từ bột gạo và đậu lên men) hay bún gạo.
Để ứng phó, các nước đã đề ra nhiều giải pháp. Indonesia cùng với nước nhập khẩu gạo ròng khác là Philippines đã chọn cách tăng cường nhập khẩu, nhất là từ Thái Lan và Việt Nam. Tổng thống Joko Widodo khẳng định, sẽ liên tục đưa gạo nhập khẩu ra thị trường để bình ổn giá. Trong khi đó, Singapore, vốn được đánh giá là dễ bị tổn thương trong giai đoạn hiện nay do đặc thù địa lý không thuận lợi cho canh tác, cũng đang tích cực đàm phán để bảo đảm nguồn cung từ Ấn Độ - nơi cung cấp tới 40% lượng gạo tiêu thụ hằng năm của đảo quốc sư tử.
Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, dù Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho biết, nguy cơ thiếu gạo trước mắt không đáng ngại, nhưng chính phủ nước này đã kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước, ứng phó sớm tình trạng lượng mưa thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường. Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan Surasri Kidtimonton còn khuyến khích nông dân cân nhắc trồng các loại cây cần ít nước hơn và có chu kỳ thu hoạch nhanh hơn.
Về phần mình, Malaysia tiến hành trợ cấp 950 ringgit (tương đương 201,1 USD)/tấn đối với gạo trắng nhập khẩu ở các bang Sabah và Sarawak; trợ cấp 400 triệu ringgit cho doanh trại quân đội, cảnh sát và ký túc xá trường học... để mua gạo nhập khẩu. Thủ tướng Anwar Ibrahim cảnh báo, sẽ tiến hành các hành động pháp lý đối với bất kỳ ai có hành vi đầu cơ tích trữ gạo. Đồng thời, Malaysia nỗ lực tăng sản xuất trong nước bằng "Chương trình đặc biệt gạo trắng địa phương" (BPT).
Một tín hiệu đáng mừng là nỗ lực ổn định thị trường lương thực và bảo đảm nguồn cung gạo của các nước ASEAN đã chứng kiến tinh thần đoàn kết nội khối cao. Tại cuộc họp ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) hồi đầu tháng 10, các thành viên ASEAN đã nhất trí sẽ ưu tiên giúp đỡ lẫn nhau khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo và các vấn đề liên quan đến lương thực khác.
Với tiềm lực là một "vựa gạo" của thế giới, các nước trong khu vực Đông Nam Á hoàn toàn có khả năng đứng vững trước làn sóng thiếu hụt toàn cầu. Tuy nhiên, chính phủ các nước lúc này cần chủ động sớm ứng phó để có thể vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục chứng tỏ vị thế quan trọng trong bản đồ nguồn cung lúa gạo toàn cầu, góp phần giữ ổn định thị trường lương thực quốc tế vốn đã vô cùng bất ổn.
Gửi phản hồi
In bài viết