Châu Mỹ
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do Covid-19, với hơn 34,7 triệu trường hợp nhiễm bệnh và gần 623.000 bệnh nhân đã tử vong.
Theo AP, Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, hoàn toàn có khả năng người dân Mỹ sẽ được yêu cầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi tăng cường. Tuy nhiên, còn quá sớm để Chính phủ đưa ra khuyến nghị về vấn đề này.
Đến nay, 48% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết đã có 2/3 số người trưởng thành tại bang này được tiêm chủng đầy đủ. Hồi đầu năm ngoái, bang này từng là "tâm chấn" của đại dịch Covid-19 tại Mỹ.
Châu Âu
Ngày 11-7, Anh đã ghi nhận thêm 31.772 trường hợp mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, giảm nhẹ so với ngày 10-7 nhưng lại tăng so với thời điểm 1 tuần trước đó. Hiện có 34,7 triệu người tại Anh được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19.
Theo Bộ trưởng Triển khai vắc xin của Anh Nadhim Zahawi, trong ngày 12-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều khả năng sẽ khẳng định kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh vào ngày 19-7 tới, mặc dù số ca mắc mới Covid-19 tại nước này vẫn tiếp tục tăng. Ông N.Zahawi cũng tiết lộ Thủ tướng B.Johnson sẽ kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng cho dù các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Châu Á
Ngày 11-7, Bangladesh ghi nhận kỷ lục về số ca mắc và tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ, khi có thêm 11.874 ca mắc mới và 230 bệnh nhân tử vong. Cơ quan y tế nước này lo ngại tình hình có thể tiếp tục xấu đi trong những tuần tới.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 9.105 ca mắc Covid-19, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới trong ngày ở mức trên 9.000 ca.
Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, nguyên nhân số ca mắc mới tăng nhanh trong thời gian gần đây là do nước này tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, có mục tiêu tại đa số các khu vực đang thực hiện lệnh hạn chế di chuyển tăng cường.
Tại Thái Lan, 145 trạm kiểm soát, trong đó có 88 trạm ở thủ đô Bangkok, 22 trạm ở các tỉnh lân cận và 35 trạm ở 4 tỉnh miền Nam đã được thiết lập để kiểm soát sự di chuyển của người dân. Giới chức nước này cảnh báo sẽ có hành động pháp lý mạnh mẽ đối với những người vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Châu Phi
Libya đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở nước này đạt mức cao kỷ lục. Thủ tướng Libya Abdulhamid Dbeibah cho biết, các quán cà phê sẽ phải đóng cửa, và việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ tạm ngừng trong vòng 2 tuần tới. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Libya cũng đã cảnh báo về tình trạng "nguy cấp" ở nước này sau sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm bệnh.
Theo Reuters, Senegal đã ghi nhận thêm 529 trường hợp mắc Covid-19 vào ngày 11-7, mức kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát và là dấu hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ ba vẫn tiếp tục tăng nhanh. Senegal đã ghi nhận tổng cộng 46.179 trường hợp nhiễm bệnh và 1.194 trường hợp tử vong. Quốc gia châu Phi này đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho gần 600.000 người trong tổng dân số khoảng 16 triệu người.
Ngày 11-7, Nam Phi đã gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm cấm tụ tập, áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h đến 4h sáng hôm sau và cấm bán rượu... Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi, cả về số ca mắc và tử vong do Covid-19, đang phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ ba do sự lây lan của biến chủng Delta. Đây là biến chủng được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và có khả năng lây lan nhanh.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết hệ thống y tế của nước này vẫn đang chịu nhiều áp lực. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết một ủy ban cố vấn của Chính phủ đang làm việc để nước này có thể sớm đưa vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Sinovac (Trung Quốc) vào chương trình tiêm chủng.
Gửi phản hồi
In bài viết