Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức)
tại bang Michigan (Mỹ) vào ngày 19-5. Ảnh: Bloomberg
Châu Mỹ
Ngày 9-6, hãng dược phẩm Merck&Co Inc (Mỹ) cho biết, Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir đang được thử nghiệm trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nếu như cuộc thử nghiệm cho thấy thuốc có tác dụng và được cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép.
Merck&Co Inc dự kiến sẽ sản xuất hơn 10 triệu liệu trình Molnupiravir do hãng này và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (Mỹ) hợp tác bào chế vào cuối năm nay. Nhiều quốc gia khác cũng đang thảo luận với hãng này về việc đặt mua thuốc Molnupiravir.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 11 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson, tương đương gần một nửa trong số 21,4 triệu liều đã được chuyển đến các bang - vẫn chưa được tiêm cho người dân. Nhiều liều vắc xin trong số này có thể sắp hết hạn. Trong đó, 3 bang là California, Texas và Florida chiếm hơn 1/4 tổng số liều vắc xin chưa được sử dụng.
Hãng tin CNN dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, Mỹ đã mua và sẽ tài trợ 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho toàn thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố tin tức này tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong tuần này. Khoảng 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm 2021, và 300 triệu liều sẽ được phân phối vào nửa đầu năm 2022. Nguồn tin này cho biết, tất cả các liều vắc xin sẽ được phân phối thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).
Châu Âu
Ngày 9-6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19, một công cụ được đề xuất nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi với người dân Liên minh châu Âu (EU). Tại phiên họp của EP ở Strasbourg (Pháp), việc áp dụng chứng chỉ này với các công dân EU đã được thông qua với 546 phiếu ủng hộ, 93 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Các quy định về chứng chỉ với công dân ngoài khối được thông qua với 553 phiếu thuận, 91 phiếu chống và 46 phiếu trắng. Các văn bản này phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trước khi có hiệu lực vào ngày 1-7.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này đã có thêm một bước tiến mới từ ngày 9-6, khi người dân có thể thưởng thức các bữa ăn cũng như hoạt động ngoài trời đến 23h. Theo kế hoạch, Pháp cũng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm ban đêm vào ngày 30-6 tới, tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi ở ngoài trời trong hầu hết các trường hợp.
Ngày 9-6, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó, cho phép các quán cà phê và nhà hàng phục vụ trong nhà, cũng như kéo dài thời gian hoạt động của các doanh nghiệp, nới lỏng các hạn chế đối với rạp chiếu phim và các địa điểm thể thao.
Ngày 9-6, nhà dịch tễ học Neil Ferguson của Trường Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ được cho là dễ lây nhiễm hơn 60% so với biến chủng Alpha - biến chủng trước đó đã lây lan mạnh ở Anh. Theo ông, nhiều khả năng, Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba với sự lây lan của biến chủng Delta, song số ca tử vong có thể thấp hơn nhờ sự bảo vệ của vắc xin ngừa Covid-19. Mặc dù vậy, đây vẫn là vấn đề khó đoán định và cần thêm nhiều dữ liệu hơn nữa.
Châu Á - châu Đại Dương
Ngày 9-6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố, nước này đã đặt mục tiêu hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân vào tháng 11 tới. Tính đến ngày 8-6, chưa đến 4% dân số Nhật Bản đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển khác như Mỹ, Anh. Trước thềm Thế vận hội Olympic và Paralympic do Nhật Bản đăng cai tổ chức, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, nước này sẽ thực hiện hơn 40 triệu mũi tiêm vào cuối tháng 6 này.
Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc cho biết, những người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sau hơn 14 ngày, kể cả những người mới tiêm mũi đầu tiên, sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa ở nước này. Cơ quan này cho biết, việc đưa ra nhiều ưu đãi là nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở Hàn Quốc.
Ngày 9-6, Bộ Y tế Singapore cho biết, nước này đã phát hiện biến chủng Delta, được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ, là biến chủng phổ biến nhất trong số những ca mắc các biến chủng vi rút SARS-CoV-2 đáng lo ngại trong cộng đồng ở Singapore, theo số liệu thống kê tính đến này 31-5.
Ngày 9-6, giới chức bang Victoria của Australia cho biết, Melbourne - thành phố lớn thứ hai nước này sẽ chấm dứt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào đêm 10-6, song có thể vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người thêm 1 tuần. Quyền Thủ hiến bang Victoria, ông James Merlino bày tỏ vui mừng trước việc thành phố Melbourne có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa, song cũng nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhất là khi chưa thể tiêm chủng rộng rãi ở khắp bang Victoria cũng như trên toàn Australia.
Gửi phản hồi
In bài viết