Indonesia đã tạm dừng xuất khẩu dầu cọ.
Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số sản phẩm có thể gây ra những hạn chế mới khiến giá lương thực trên thế giới tăng. Nhà kinh tế của WB cũng cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng lương thực đã và đang gây ra cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Nga: “Nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực vẫn tiếp diễn thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn, đặc biệt với các nước nhỏ và nghèo vốn thiếu hụt nguồn cung cấp”. Cũng theo ông A.Mattoo, trong các cuộc khủng hoảng trước đây (năm 2008 và năm 2011), khi giá lương thực toàn cầu tăng vọt, chính phủ các nước đã áp đặt hơn 80 biện pháp hạn chế xuất khẩu, đẩy giá các sản phẩm thực phẩm tăng từ 13% đến 15%.
Hàng loạt rào cản thương mại mới xuất hiện khi cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đang làm căng thẳng thêm các chuỗi cung ứng vốn đã rối loạn vì đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia đã mở ra làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới để bảo vệ nguồn cung thực phẩm khi hàng hóa khan hiếm. Trong khi có những quốc gia nhập khẩu lương thực giảm hạn chế nhập khẩu hoặc trợ cấp tiêu dùng, thì một số quốc gia là "vựa" lương thực lại hạn chế xuất khẩu. Ukraine đã hạn chế xuất khẩu dầu hướng dương, lúa mì, yến mạch và gia súc nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá. Nga cấm bán phân bón, đường và ngũ cốc cho các quốc gia khác. Indonesia, quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ của thế giới, đã tạm dừng các chuyến hàng xuất đi nhằm cố gắng giữ giá dầu ở mức phải chăng trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, ngô và dầu thực vật. Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu các công ty ngừng bán phân bón cho các nước khác từ mùa hè năm ngoái, để bảo đảm nguồn cung trong nước...
Kể từ đầu năm đến nay, các quốc gia đã áp đặt tổng cộng 47 lệnh hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm và phân bón với lập luận rằng, nhiệm vụ của họ là đặt nhu cầu và lợi ích của công dân nước mình lên hàng đầu; mặt khác quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các quốc gia áp dụng các biện pháp tạm thời vì an ninh hoặc an toàn quốc gia. Về vấn đề này, các chuyên gia thương mại cảnh báo, các biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể phản tác dụng, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao hơn nữa.
Hạn chế xuất khẩu đang làm ngũ cốc, dầu, thịt và phân bón - vốn đã ở mức cao kỷ lục - trở nên đắt hơn và thậm chí khó mua hơn. Điều đó đang đặt ra gánh nặng lớn hơn đối với người nghèo trên thế giới, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nước nghèo đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực, nhất là ở khu vực Trung Đông và châu Phi cận Sahara, vốn phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng duy trì các dòng lương thực toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng kinh tế và địa chính trị gia tăng phải là yêu cầu đặt ra khi các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách. Nguồn cung cấp lương thực không bị gián đoạn sẽ mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời mở ra một cơ hội tốt hơn cho các quốc gia trong việc vượt qua những cú sốc khác do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết