Nhiều quốc gia đang theo đuổi lộ trình coi Covid-19 như một căn bệnh có thể sớm kiểm soát.
Kể từ ngày 26-2, người dân Slovakia - quốc gia từng ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới - không còn phải xuất trình “thẻ xanh” khi đến các trung tâm thể hình, chăm sóc sức khỏe, công viên nước, khách sạn hay tham gia sự kiện đông người… Các cơ sở kinh doanh ăn uống được đón khách không phân biệt tình trạng tiêm chủng. Còn Iceland đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch, trong khi Italia dự kiến dừng áp dụng tình trạng khẩn cấp liên quan đến Covid-19 từ cuối tháng 3 tới, kết hợp từng bước hủy bỏ các quy định phòng dịch. Về phần mình, Ba Lan thông báo sẽ bãi bỏ tất cả những biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh từ ngày 1-3, yêu cầu nhân viên các cơ quan chính phủ đi làm trở lại.
Trong khi đó, Nhật Bản và Australia cùng áp dụng quy định dịch tễ mới từ đầu tháng 3 tới, trong đó rút ngắn đáng kể thời gian cách ly đối với người nhập cảnh. Thậm chí, bang Tây Australia còn miễn cách ly cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản từ ngày 3-3. Ở Đông Nam Á, những người trưởng thành tại Malaysia đã tiêm mũi tăng cường và không có triệu chứng vào ngày đầu tiên sau khi tiếp xúc với ca mắc Covid-19 sẽ không phải cách ly. Mạnh dạn hơn, Thái Lan công bố lộ trình kéo dài 4 tháng nhằm hạ cấp Covid-19 từ “đại dịch” xuống “phổ biến thông thường”, trong đó bao gồm việc điều chỉnh kế hoạch kiểm soát dịch, như tăng số người cách ly tại nhà từ 60% hiện nay lên 90% để “giải phóng” các bệnh viện.
Những bước đi đầy tự tin nói trên diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm ở nhiều nước đã lắng dịu, trong khi độ phủ vắc xin ngày càng cao, hạ tầng y tế ngày càng hoàn thiện. Nhiều quốc gia cũng đã tự chủ được nguồn cung nhu yếu phẩm phòng, chống dịch - đặc biệt là vắc xin và thuốc chữa trị Covid-19. Tờ New York Times dẫn số liệu cập nhật tới ngày 25-2 cho biết, 62,6% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19, 56% được chủng ngừa đầy đủ, 17% được tiêm mũi tăng cường. Những thành tựu này chính là tiền đề cho phép không ít chính phủ thúc đẩy cách tiếp cận mới, trong đó coi Covid-19 là một phần của cuộc sống hằng ngày. Theo đuổi quan điểm này, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng tuyên bố, Covid-19 không tự nhiên biến mất nên “con người cần học cách tự bảo vệ bản thân mà không giới hạn tự do của chính mình”.
Dĩ nhiên, dù theo đuổi mô hình nào, nỗ lực nối lại cuộc sống bình thường không có chỗ cho sự chủ quan, bởi vi rút SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nhân loại với vô vàn biến chủng mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang để giảm sự lây lan của dịch bệnh, dù nhiều bang của nước này tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi mô hình ứng phó với Covid-19 như một căn bệnh lâu dài có thể kiểm soát được. Cùng với đó, hoạt động tiêm chủng vẫn được nhiều nước đẩy mạnh. Mới nhất, Australia thông báo xem xét tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ tư cho người dân. Giới chuyên môn cũng khuyến nghị các nước cần tính tới việc triển khai nhóm biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân khi bước sang giai đoạn hậu Covid-19.
Có thể thấy, hàng loạt thành tựu chống dịch trong 2 năm qua đã tạo ra nền tảng cần thiết cho phép nhân loại dần mở cửa trở lại an toàn. Thời điểm này chính là lúc mỗi quốc gia tự tìm cho mình một cách tiếp cận phù hợp để xây dựng thành công môi trường sống an toàn cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết