Một buổi tuần hành phản đối ECT tại Brussel (Bỉ).
Sau Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và nhiều nước khác, đến lượt Vương quốc Anh trở thành quốc gia mới nhất thông báo sẽ rời khỏi ECT do hiệp ước này không phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
”Quyết định này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Vương quốc Anh sang mức phát thải ròng bằng 0 và tăng cường an ninh năng lượng", Quốc vụ khanh An ninh năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Vương quốc Anh Graham Stuart nêu rõ.
Tuyên bố của Chính phủ Anh cũng cho biết, các biện pháp bảo vệ theo hiệp ước đối với những khoản đầu tư năng lượng mới sẽ chấm dứt sau 1 năm kể từ khi việc từ bỏ hiệp ước có hiệu lực.
Được hình thành vào năm 1994, ECT hướng đến việc vượt qua chia rẽ hậu Chiến tranh lạnh thông qua thúc đẩy hợp tác năng lượng. Một trong những điều khoản quan trọng của hiệp định là cho phép các nhà đầu tư lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch kiện các quốc gia nếu kỳ vọng lợi nhuận bị mất. Tất nhiên, việc này diễn ra trong khuôn khổ hệ thống trọng tài doanh nghiệp được thiết lập để bảo vệ các nhà đầu tư.
Sau 3 thập niên tồn tại, ECT đã trở thành hiệp ước bảo hộ đầu tư được vận dụng nhiều nhất trên thế giới. Châu Âu ước tính đã có tới 344,6 tỷ euro đầu tư được bảo vệ theo các điều khoản ECT. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, Ủy ban châu Âu thể hiện ý định rút toàn bộ khỏi hiệp ước, khiến làn sóng rời bỏ ECT bùng nổ. Hiện còn hơn 54 quốc gia vẫn được liệt kê là các bên tham gia ký kết nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia đã rút lui hoặc có kế hoạch rút lui sau thất bại của các cuộc đàm phán gia hạn.
Xu hướng quay lưng với ECT không quá khó hiểu, thậm chí các chuyên gia còn coi hiệp ước này là nút thắt trong tiến trình giảm phát thải carbon trên thế giới.
Theo giới chuyên môn, ECT đã trở thành một chiếc “gông” bó buộc trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách cắt giảm phát thải carbon. Nếu tiếp tục tham gia ECT, các thực thể có thể bị các công ty kiện đòi bồi thường thiệt hại vì lợi nhuận bị mất. Ước tính, đã có 158 thực thể ký kết ECT phải đối mặt với các vụ kiện kể từ năm 2001 tới nay, trong đó có khoảng 90% nằm ở các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Số lượng vụ kiện gia tăng nhanh chóng từ sau năm 2015, là thời điểm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hình thành, với cam kết tăng tốc quá trình cắt giảm khí thải nhà kính. Một ví dụ là các công ty năng lượng RWE và Uniper của Đức đã kiện Chính phủ Hà Lan vào năm 2021 với số tiền 2,4 tỷ euro, viện lý do Amsterdam đã thông qua Luật Khí hậu, trong đó cấm các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Để ngăn chặn kịch bản rã đám, nỗ lực cải cách hiệp ước đã được thúc đẩy mạnh mẽ, thậm chí có thêm những biện pháp gây khó khăn hơn cho các công ty nhiên liệu hóa thạch trong việc khởi kiện. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị đình trệ nghiêm trọng. Một số điều chỉnh đối với ECT được Ủy ban châu Âu thông qua trong năm 2022 vẫn bị các quốc gia thành viên hiệp ước đánh giá là chưa đủ. "Chúng tôi chưa thấy ECT phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015", Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten đánh giá.
Cũng theo các chuyên gia, mọi đề xuất hiện đại hóa ECT tới nay chưa bao gồm bất kỳ giới hạn nào đối với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước về đầu tư nước ngoài vào nhiên liệu hóa thạch cho đến năm 2033 (đối với dầu mỏ) và năm 2043 (đối với khí đốt tự nhiên). Về cơ bản, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn được bảo vệ trước mọi nỗ lực của các chính phủ ở thời điểm làn sóng loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang dâng cao.
Như thế, dù vẫn có sự ủng hộ của một số quốc gia, ECT rõ ràng cần sớm có sự cải cách vượt bậc để thật sự phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng mới và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hoặc phải chấp nhận lùi vào quá khứ, nhường sân chơi cho những khung quy định tối ưu hơn trong bối cảnh hiện đại.
Gửi phản hồi
In bài viết