Mới nhất, Australia công bố sẽ triển khai tiêm chủng tăng cường từ ngày 4-4 tới nhằm chuẩn bị cho mùa đông lạnh tràn về vào tháng 6. Một số địa phương của Canada cũng bắt đầu cung cấp mũi tiêm thứ tư cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Giới chức y tế Mỹ thông báo đã chuẩn bị đủ lượng vắc xin để tiêm phòng mũi thứ tư cho người trên 65 tuổi.
Tại châu Âu, các nước: Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh. Tại châu Á, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Lào cũng có những động thái tương tự. Theo giới chức y tế nhiều nước, mũi tiêm thứ tư cần cách mũi thứ ba khoảng 4 tháng.
Việc tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ tư được các nước triển khai dựa trên quan điểm, dù số ca tử vong và nhập viện do Covid-19 có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của nhân loại cũng suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, sau 10 tuần, mũi tiêm thứ ba vắc xin của Pfizer chỉ còn tác dụng ngăn chặn lây nhiễm 35%, trong khi vắc xin Moderna chỉ duy trì hiệu quả 45% được 9 tuần. Thực tế, các hãng dược Pfizer và BioNTech viện dẫn kết quả nghiên cứu ở Israel - quốc gia đầu tiên xúc tiến tiêm mũi thứ tư, cho thấy những người đã tiêm mũi thứ tư ít có khả năng bị nhiễm Covid-19 hơn so với những người mới tiêm ba liều.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng, việc tiêm phòng bổ sung lúc này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến thể phụ “tàng hình” BA.2 của biến chủng Omicron khiến số ca nhiễm gia tăng nhanh, giữa lúc nhiều quốc gia gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
Một điểm chung được nhiều nước áp dụng khi triển khai tiêm mũi vắc xin thứ tư là tập trung vào nhóm dễ tổn thương - đặc biệt là người cao tuổi - thay vì phủ rộng ngay từ đầu như với mũi tiêm thứ ba. Theo Tiến sĩ Christian Gaebler, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Rockefeller (New York, Mỹ), người lớn tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm thứ tư do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ.
Ngoài ra, người lớn tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Nhiều nước cũng tiếp nhận yêu cầu tiêm mũi thứ tư từ những người có hệ thống miễn dịch yếu, đã cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc, đang trải qua hóa trị ung thư, có H.I.V tiến triển... Phần đông còn lại yêu cầu có ý kiến của bác sĩ.
Dù đem lại lợi ích, nỗ lực tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ tư đang vấp phải một số khó khăn. Trước hết là tâm lý chủ quan từ phía người dân về việc “đại dịch đã qua đi” khiến việc kêu gọi tiêm chủng trở nên khó khăn. Đây cũng là lý do dẫn đến tốc độ tiêm ở nhiều nước vừa qua giảm.
Nhiều ý kiến cũng đánh giá, việc thúc đẩy tiêm mũi tăng cường thứ tư lúc này còn sớm, bởi ở nhiều nơi việc “phủ” các mũi tiêm cơ bản còn chưa hoàn tất. Ngoài ra, một số nước giàu tuy đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiêm mũi tăng cường tiếp theo, nhưng vẫn đang cân nhắc về khả năng có được những loại vắc xin mới hơn, dù điều này tạo ra những lỗ hổng phòng dịch nguy hiểm.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn lây nhiễm trên diện rộng, để bảo đảm mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh, việc tiếp tục phủ vắc xin Covid-19 là cần thiết, góp phần khống chế số ca bệnh chuyển nặng, nhập viện, tử vong ở mức tối thiểu.
Gửi phản hồi
In bài viết