Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thế giới cần một hiệp ước quốc tế về đại dịch. Ảnh: Reuters
Ý tưởng về một hiệp ước bảo đảm khả năng phổ biến, tiếp cận công bằng đối với vắc xin và thuốc men, cũng như chẩn đoán đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11-2020.
Ngày 30-3, ý tưởng của ông Charles Michel đã nhận được sự ủng hộ chính thức của Fiji, Bồ Đào Nha, Romania, Anh, Rwanda, Kenya, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad và Tobago, Hà Lan, Tunisia, Senegal, Tây Ban Nha, Na Uy, Serbia, Indonesia, Ukraine và WHO.
Theo quan điểm chung của các nhà lãnh đạo đến từ những quốc gia kể trên, thế giới sẽ đối mặt với những đại dịch khác và những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe lớn khác. Không một chính phủ hoặc cơ quan đa phương nào có thể giải quyết mối đe dọa này một mình. Do đó, các quốc gia nên cùng hướng tới một hiệp ước quốc tế mới để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Mục tiêu chính của hiệp ước là nhằm tăng cường khả năng phục hồi của thế giới đối với các đại dịch trong tương lai thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn, chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc xin, thuốc men, phương pháp chẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân.
Hiệp ước cũng sẽ nêu rõ rằng sức khỏe của con người, động vật và hành tinh đều kết nối với nhau và dẫn đến trách nhiệm chung, sự minh bạch và hợp tác trên toàn cầu.
“Với tư cách là lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, chúng tôi tin rằng trách nhiệm của mình là bảo đảm thế giới rút ra được bài học từ đại dịch Covid-19”, các nhà lãnh đạo nêu rõ.
Gửi phản hồi
In bài viết