“Nhịp cầu” gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân

- Người có uy tín và lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được ví như “nhịp cầu” gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người có uy tín và lực lượng cốt cán còn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; phát triển kinh tế, góp sức xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Nói dân tin, làm dân theo

Từ năm 2016 đến nay, thành phố Tuyên Quang đã thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trên 100 ha của gần 100 hộ dân để triển khai dự án sân golf Vinpearl Tuyên Quang, Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm. Đóng góp một phần vào thành quả đó là ông Trần Đức Dục, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Mỹ Lâm.

Bằng vai trò của người cốt cán, cùng với hệ thống chính trị các cấp, ông Dục không ngại khó, ngại khổ để gần gũi, nắm chắc diễn biến tư tưởng của từng hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu, tự giác chấp hành; không có đơn thư khiếu nại trong quá trình tổ chức thực hiện. Phường có trên 40% hộ dân tộc Cao Lan, ông Dục đã thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố, vận động tuyên truyền đồng bào chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường nhằm thực hiện văn minh đô thị. Đồng thời, xóa bỏ các hủ tục trong việc tang; giảm thời gian tổ chức tang lễ từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.

Ông Hà Đức Tăng, người có uy tín, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Tày.    

Gần 20 năm làm cán bộ chủ chốt của thôn, 10 năm liền, ông Hà Đức Tăng, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín. Ông Tăng luôn tiên phong trong phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông có 3 ha cây cam Sành, 1,5 ha chanh tứ mùa. Mỗi năm, mô hình kinh tế cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Năm 2021, hưởng ứng xây dựng thôn Nông thôn mới kiểu mẫu và dự án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp” gắn với phát triển du lịch cộng đồng, gia đình ông Tăng là hộ đầu tiên tự đầu tư trên 2 tỷ đồng và vận động 9 hộ khác tự đầu tư trên 1 tỷ đồng/hộ để làm homestay. Nhờ uy tín của ông Tăng, người Tày ở Pác Cáp tích cực phát triển kinh tế. Thôn có 65 hộ, 317 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày. Hết năm 2022, thôn đạt gần 56 triệu đồng/người/năm; nhân dân đóng góp gần 550 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Pác Cáp là thôn duy nhất của xã không có hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh đã công nhận 5.846 lượt người có uy tín; trong đó có 3.467 lượt người uy tín là đảng viên. Thông qua người có uy tín, lực lượng cốt cán, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào DTTS để tham mưu, kịp thời giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của người dân.

Ông Trần Đức Dục, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Mỹ Lâm (thành phố Tuyên Quang) người cốt cán trong đồng bào DTTS thường xuyên nắm bắt tình hình, đời sống của người dân địa phương.

“Điểm tựa của mọi điểm tựa”

5 năm qua, người có uy tín và lực lượng cốt cán trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, vận động con cháu, cộng đồng làm theo. Nhiều mô hình kinh tế đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Bản thân người có uy tín, lực lượng cốt cán luôn còn quan tâm, giúp đỡ hướng dẫn nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,81% xuống còn 9,03%; tương đương 16.183 hộ gia đình đã thoát nghèo.

Người có uy tín, lực lượng cốt cán đã tích cực vận động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Trong 5 năm, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời đang triển khai làm hồ sơ công nhận 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022.

 Công an xã Chiêu Yên (Yên Sơn) vận dụng vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đảm bảo an ninh cơ sở.

Đội ngũ người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng từ cơ sở. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người có uy tín và lực lượng cốt cán đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước thôn, bản; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Với sự hiểu biết về văn hóa truyền thống, nhiều người có uy tín, lực lượng cốt cán đã không ngừng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, trọng tâm là bảo tồn các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và nghề truyền thống.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh, người có uy tín, lực lượng cốt cán là “điểm tựa của mọi điểm tựa” khác. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ này. Đồng thời, chú trọng đổi mới công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thực hiện tốt chính sách cho người có uy tín, lực lượng cốt cán.

Toàn tỉnh tiếp tục đề cao, phát huy vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến là người có uy tín, lực lượng cốt cán.        
                                                                                                                                                         ​Bài, ảnh: Bích Hằng


Người có uy tín của bản Mông

Ông Lý Văn Tu (trong ảnh), sinh năm 1959, dân tộc Mông, Trưởng thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) là người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Thôn Quảng Tân có 146 hộ với 847 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Trước đây, vì sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và bị dụ dỗ, lôi kéo nên người Mông ở thôn Quảng Tân đã từng nghe, tin theo lời kẻ xấu bỏ bê đồng ruộng, nhà cửa, không chịu làm ăn… khiến cuộc sống bị xáo trộn, đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.

Ông đã cùng với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng hộ dân, lồng ghép trong các cuộc họp thôn vận động bà con đoàn kết, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không làm theo, nghe theo, tin theo tổ chức bất hợp pháp. Qua đó, ông không chỉ vận động được người dân thôn Quảng Tân mà còn ở thôn Ngòi Sen, Tháng 10 của xã Yên Lâm với 180 hộ từ bỏ tổ chức bất hợp pháp, tin theo Đảng, Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Song song với việc tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ông Tu còn tích cực vận động người dân tham gia các phong trào của thôn, xã, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, ông Tu đã vận động 10 hộ dân hiến hơn 700 m2 đất để làm 700 m đường bê tông thôn. Hiện thôn còn 46% hộ nghèo, giảm 30 hộ so với năm 2021. 

Với những đóng góp cụ thể và thiết thực cho địa phương, ông Lý Văn Tu đã được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương khen thưởng là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

                                                                                                                                                                   Bài, ảnh: Vân Anh


Trách nhiệm của Chủ tịch Hội Cựu giáo chức

Ông Phùng Dùng Ngan (trong ảnh), Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thị trấn Na Hang là tấm gương về lòng nhiệt huyết, nhiệt tình với công việc của hội, của địa phương.

Năm 2017, sau 36 năm gắn bó với ngành giáo dục, ông Ngan nghỉ hưu theo chế độ. Cuối năm 2020, ông được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thị trấn Na Hang. Ở cương vị mới, ông Ngan từng bước đưa hội phát triển cả về số lượng và chất lượng hội viên.

Hội Cựu giáo chức thị trấn hiện có 192 hội viên, trong đó có 7 hội viên không có lương hưu. Để giúp đỡ những hoàn cảnh này, ông Ngan thường xuyên đến động viên các gia đình, chủ động miễn các khoản đóng góp và cử các hội viên có điều kiện giúp đỡ theo phương châm “lá lành đùm lá rách”.

Bà Phạm Thị Dấn, cựu giáo chức Tổ dân phố 9, thị trấn Na Hang nói: Bà cùng chồng là giáo viên nhưng nghỉ chế độ sớm nên không có lương hưu, gia đình neo người, con cái đi làm xa, ít khi về thăm nhà. Để giúp đỡ gia đình, nhiều hội viên Hội Cựu giáo chức thị trấn đã chủ động giúp đỡ ông bà về vốn và động viên để gia đình vươn lên phát triển kinh tế.

Ngoài giúp đỡ các hội viên khó khăn, ông Ngan cũng chủ động vận động các hội viên tham gia các hoạt động của địa phương như ủng hộ 10 triệu đồng cho Quỹ phòng chống Covid-19, thành lập 3 câu lạc bộ bóng chuyền hơi, dân vũ, thể dục dưỡng sinh đi tham gia thi đấu, giao lưu tại các địa phương trong tỉnh và luôn đạt kết quả cao… Đặc biệt, trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, 100% hội viên đều đăng ký và hoàn thành theo yêu cầu, được chính quyền thị trấn ghi nhận.

Nhờ những thành tích như vậy, từ năm 2020 đến nay, ông Phùng Dùng Ngan được nhận nhiều Giấy khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và UBND thị trấn  Na Hang trao tặng.
                                                                                                                                                                    Bài, ảnh: Lê Duy


Người giữ lửa văn hóa dân tộc Cao Lan

Gần 19 năm là người uy tín, ông Tiêu Sơn Học (trong ảnh), dân tộc Cao Lan, thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn) là tấm gương tiêu biểu về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thôn có trên 200 hộ, 90% là dân tộc Cao Lan. Với nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, am hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2004 đến nay, ông luôn được bà con trong thôn tín nhiệm và bầu làm người có uy tín của thôn.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, năm 2005, ông và một số người cao tuổi trong thôn đã đứng ra thành lập CLB hát Sình ca Cao Lan. Các thành viên trong đội là những người am hiểu phong tục, tập quán và văn hóa của dân tộc. CLB hiện có 30 thành viên từ 10 đến 80 tuổi, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt một lần tại nhà văn hóa thôn. Mọi người đến đây cùng nhau luyện tập, sưu tầm, truyền dạy cho nhau các bài hát, điệu múa, dạy chữ, tiếng nói, văn hóa dân gian của đồng bào Cao Lan.

Ông Học bảo, người hát Sình ca không còn nhiều, người biết chữ lại càng ít, vì vậy ông luôn tìm tòi, mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho các thành viên của CLB và cả những người yêu văn hóa bản sắc dân tộc Cao Lan. Hiện nay, ông còn lưu giữ cuốn sách cổ 200 năm tuổi và dịch những lời hát Sình ca cổ được trên 300 bài từ cuốn sách này.  Ông cùng các thành viên trong CLB đi giao lưu với các CLB, đội văn nghệ ở các xã khác, đi biểu diễn ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn để có thêm kiến thức, kỹ năng.

Với những đóng góp của mình, ông đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân dân gian có nhiều cống hiến xuất sắc trong thực hành và truyền dạy Sình ca.  
                                                                                                                                                              Bài, ảnh: Minh Thủy


Luôn tạo được niềm tin của nhân dân

Gần 10 năm làm công tác mặt trận, ông luôn gần dân, sát dân, nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của nhân dân để kịp thời phản ánh và đề xuất với cấp ủy, chính quyền về các chính sách liên quan đến người dân... Ông là Đồng Hồng Kỳ (trong ảnh), Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Linh Phú (Chiêm Hóa).

Linh Phú là xã đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt. Toàn xã có hơn 860 hộ, trên 3.700 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%, trình độ dân trí chưa đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

 Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông Đồng Hồng Kỳ nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó góp phần cùng tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác mặt trận. Ông chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương các chương trình, kế hoạch thực hiện các phong trào, hoạt động liên quan đến công tác Mặt trận, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong giai đoạn 2017 - 2022 với sự hướng dẫn, tổ chức của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các phong trào do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã phát động. Nổi bật, đã vận động nhân dân ủng hộ các loại quỹ với tổng số tiền trên 200 triệu đồng; duy trì hiệu quả 16 mô hình tự quản, thắp sáng đường quê và vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.

Riêng trong năm 2022, ông đã cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động hỗ trợ làm mới 15 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó làm mới 11 nhà, sửa chữa 4 nhà; xây dựng 13 công trình nhà vệ sinh. Hàng năm, vận động nhân dân trồng rừng, trồng cây vụ đông luôn vượt kế hoạch đề ra…

Với những đóng góp tích cực của ông, tập thể Ủy ban MTTQ xã luôn được xếp loại xuất sắc, cá nhân ông đã được Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc công tác mặt trận năm 2018 và phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
                                                                                                                                                                 Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục