Đại diện đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự lễ hội mùa Xuân tại đình Thái Bình.
Trong nhịp trống, trong sắc áo the khăn đóng và mùi hương trầm phảng phất bay, càng cảm nhận sâu hơn hào khí của vùng đất cổ xưa vẫn âm vang vào đời sống hôm nay mạch nguồn bất tận.
Tổng Cói xưa, giờ là xã Mai Lâm, vẫn lưu lại nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử lâu đời. Thăm đình Thái Bình, chùa Diên Phúc tọa lạc ở thôn Thái Bình hiện hữu uy nghiêm giữa làng quê ven đô, ít ai biết được những công trình này từng được chuyển rời khỏi vị trí ban đầu vào khoảng năm 1990 bởi dòng chảy của thời gian khiến bờ sông Đuống sạt lở.
Với người dân xã Mai Lâm, các sự kiện đặc biệt ấy không đơn thuần chỉ là dịch chuyển một công trình kiến trúc, mà đánh dấu cả một hành trình đoàn kết, bền bỉ giữ gìn ký ức, di sản.
Quyết tâm gìn giữ nhịp xưa…
Ông Lưu Bá Quý, người con của thôn Thái Bình, Xã Mai Lâm, nhớ lại: So với các địa phương khác, đình Thái Bình, chùa Diên Phúc đặc biệt ở chỗ, ban đầu được xây dựng bên ngoài đê, hướng ra sông Thiên Đức (nay là sông Đuống).
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, ngày 22/8/1967, máy bay giặc Mỹ ném bom sạt đầu đình làm hư hại một phần, dân làng đã sửa chữa lại. Những năm 1980, bờ sông Đuống lở mạnh, tiến sát vào đình, lại thêm trận lũ năm 1990 khoét sâu vào chân móng đình làm phát lộ khối móng dày gần chục thước với nhiều lớp chồng lên nhau.
Trước nguy cơ đình bị xói mòn, dưới sự chủ trì của các cụ cao tuổi trong thôn và ông Quý, địa phương đã tổ chức cuộc hội thảo và tiến hành di chuyển đình với ước tính hơn 400 tấn vật liệu từ ngoài đê vào trong đê. Sau gần 80 ngày lao động vất vả, dân làng đã giữ nguyên trạng kiến trúc đình và dần tu bổ khang trang như ngày nay.
Có đình mới, lễ hội của địa phương được tổ chức đàng hoàng và quy mô lớn hơn so với trước đây. Lễ hội truyền thống của xã Mai Lâm diễn ra hằng năm vào ngày 8/3 âm lịch, có tục rước sách, tế lễ...
Người dân địa phương dù sinh sống xa xôi đến mấy, đến hội đều về, khách thập phương cũng nô nức, thành kính chiêm ngưỡng vẻ đẹp tín ngưỡng, văn hóa của vùng đất cổ.
Đình Thái Bình kiến trúc hình chữ Đinh gồm tòa đại đình và hậu cung. Tòa đại đình là nếp nhà ngang bảy gian, bốn mái với các góc uốn cong, lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời tua lửa.
Đình có nhiều đồ thờ quý, như ba pho tượng Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Trần Thủ Độ; các lộc bình sứ men tráng hoa lam thế kỷ 19; các món gỗ chạm thế kỷ 19-20; thần phả ghi sự tích Lý Chiêu Hoàng; 7 tấm bia đá; 5 bức hoành phi; 11 câu đối…
Cổng chùa Diên Phúc đã được trùng tu, một trong những điểm đến của khách thập phương trong dịp lễ hội mùa xuân hằng năm.
Cùng với đình, nơi đây có chùa Diên Phúc trong tổng thể kiến trúc truyền thống vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Theo các huyền tích và lưu truyền dân gian, chùa được xây dựng từ thế kỷ 11. Dù thời điểm xuất hiện này của di tích cần tìm thêm chứng tích, song sự tồn tại của chùa vào thời Lê trung hưng được khẳng định phần nào trong hệ thống di vật hiện còn.
Đến thời Nguyễn, chùa được người dân quan tâm, tu sửa nhiều lần. Do lũ lụt, thời gian, dòng chảy của sông, cho nên chùa cũng được chuyển vào trong đê gần cùng thời điểm với đình.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa còn là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Sư trụ trì chùa là Thích Đàm Tín đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng hai.
Kiến trúc của chùa Diên Phúc bao gồm 4 nếp nhà ngang dọc tạo thành, được quy hoạch trong một sân gạch nhỏ; tiền đường tọa lạc phía trước, thượng điện nằm ở phía sau sân, nhà mẫu và nhà tổ song song hai bên.
Hiện quy mô chùa được mở rộng, sư thầy Thích Minh Thịnh cùng nhân dân đã tôn tạo, xây lầu Quan Âm, cổng Tam quan, lát sân gạch, quy mô khang trang.
Chùa có nhiều đồ thờ quý, trong đó phải kể tới quả chuông “Phúc Diên tự chung” đúc năm Minh Mệnh thứ 2 (1821); bức cửa võng chạm rồng chầu, rồng cuốn thủy tứ linh, bát cửu thế kỷ 19; 6 hoành phi; 10 câu đối; 26 pho tượng cổ thời Lê trung hưng và thời Nguyễn.
Trong số này, tiêu biểu nhất là các tượng tam thế, quan âm thiên thủ thiên nhãn. Ba pho tượng tam thế có kích thước đều nhau (cao 1,2m) và giống nhau trong tư thế cùng ngồi kiết già.
Đài sen của tượng không bố trí tròn, phía sau hơi thót lại, phía trước nở theo thế ngồi, các cánh sen để trơn, thân cánh phồng, chóp cánh hơi cụp lại - vẻ đẹp rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18.
Ôn lại kỷ niệm không thể nào quên về giai đoạn chuyển đình, chùa, người dân thôn Thái Bình không khỏi xúc động. Những năm 1990, trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ mở cửa, công việc này lại diễn ra trong sự lặng lẽ với quyết tâm cao.
Các tốp thơ được chia thành nhiều nhóm: Nhóm tháo dỡ, nhóm ghi chép, nhóm vận chuyển, nhóm trông nom đồ thờ… Không máy móc, thiết bị, tất cả đều là sức người. Nào xe thồ, đòn tre, gánh gồng... tận tụy suốt ngày đêm. Nhiều cụ già đứng nhìn mà rơi nước mắt, vừa tiếc ngôi đình xưa, vừa mừng vì người dân đã quyết tâm bằng mọi cách giữ mạch nguồn truyền thống.
Từ đó đến nay, mỗi năm vào hội, dân làng ở Mai Lâm vẫn rước kiệu, tế lễ long trọng, không quên nhắc nhớ: Đình, chùa có thể chuyển chỗ, nhưng lòng tôn kính thì không bao giờ thay đổi.
Với họ, giá trị không nằm ở nơi chốn, mà thuộc về ký ức chung, niềm tin cộng đồng và ở cách người dân nơi đây chọn để đi qua thử thách, để giữ gốc rễ văn hóa, tín ngưỡng cho đời sau.
Lễ hội truyền thống ở Mai Lâm diễn ra vào độ mùa xuân đã “chín”, khi những đàn chim sẻ đã ấm tổ trên mái đình rêu phủ. Ông Đỗ Chí Dũng, trưởng thôn Thái Bình, nhớ lại: Ngày xưa, chỉ cần thấy các cụ mang trống ra đình, các đội tế bắt đầu tập luyện, là con trẻ đã háo hức vô cùng. Cả làng khấp khởi lắm, ai đi đâu xa cũng cố gắng trở về.
Phần lễ trong hội gắn chặt với lịch sử, tín ngưỡng vùng đất cổ. Đặc biệt nhất là lễ rước nước. Từ sáng sớm, đoàn người áo thụng xanh, tay cầm bát hương, rồng phướn, theo sau là đội trống chiêng, đội múa rồng, lặng lẽ ra sông rước nước về đình.
Nước là biểu tượng của sự sống được đưa về thờ như cách dân làng nhắn gửi điều ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong phần tế lễ ở các đình, những người cao niên, ăn mặc trang nghiêm, đọc chúc văn bằng chữ Nôm cổ với giọng uy nghiêm, vang vọng.
Bên cạnh phần lễ, phần hội chan chứa sắc xuân. Các bãi đất rộng là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian, hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ. Không khí hội rộn ràng như bản hòa ca. Đêm xuống, không khí hội càng huyền ảo, lung linh. Mỗi thôn đều chuẩn bị tiết mục chèo, hoạt cảnh lịch sử, múa dân gian…
Đáng quý nhất là cách Mai Lâm giữ lễ hội mà hòa nhập vào nếp sống văn minh, lành mạnh. Ban tổ chức luôn họp bàn từ trước Tết, quán triệt cờ quạt treo đúng vị trí, sân chơi dọn sạch, loa đài vừa đủ nghe, rác được phân loại, người dân được vận động không bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, những hành vi mê tín dị đoan tuyệt đối không có.
Cán bộ văn hóa xã còn phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trẻ em được khuyến khích vẽ tranh, làm báo tường về lễ hội, tạo nên tinh thần học-chơi-giữ gìn một cách tự nhiên mà sâu sắc.
Tiếp thêm nguồn khát vọng
Nếu niềm tự hào ký ức của vùng đất Mai Lâm là tiếng chuông chùa, là hội làng dưới mái đình cong, thì thành quả hiện tại đang bắt đầu nảy mầm từ hệ sinh thái đa dạng, trong hương thơm ngai ngái của dược liệu dưới nắng gió.
Người dân nơi đây không chỉ gìn giữ hồn cốt miền đất cổ, mà còn tạo dựng những hướng phát triển kinh tế mới mang tính bền vững, bắt nguồn từ lòng đất, nguồn nước và khát vọng chân chính.
Ở rìa phía tây của Mai Lâm ven sông, nơi từng là đất bãi, lau lách mọc cao quá đầu người, giờ đây là những vạt giảo cổ lam, đinh lăng, ngải cứu, sâm đại hành, cà gai leo... trải dài, thẳng hàng như ô ruộng.
Mỗi vạt cây trồng lên xanh không chỉ mang lại nguồn thu nhập, mà quan trọng hơn đó là kết tinh của giấc mơ bền bỉ - giấc mơ về một nền nông nghiệp tử tế, không thuốc hóa học, không xói mòn đất, không can thiệp tiêu cực vào hệ sinh thái.
Không rầm rộ, ồn ào, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đại Nam hình thành như một nhánh cây nhỏ len vào lòng đất, âm thầm bén rễ. Họ không làm nông theo cách cũ, mà học hỏi phương pháp như những người thầy thuốc: Hiểu cây, hiểu đất, hiểu mùa vụ và nhất là hiểu con người.
Nhờ đó, cây dược liệu không trồng đại trà mà được nghiên cứu theo địa sinh học: Giống gì phù hợp đất nào, trồng xen hay đơn canh, thời điểm nào thu hoạch cho dược tính cao nhất…
Lễ ra mắt Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đại Nam cuối năm 2023 với sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp và dược liệu đến từ Hàn Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ví Đại Nam là “Hợp tác xã hương đất” chính bởi sản phẩm ở đây trong lành như cây cỏ buổi sớm, như dòng nhựa sống lên hương từ gốc rễ âm thầm.
Họ chọn con đường lâu bền, dù lợi nhuận không cao ngay lập tức. Hướng trồng và sản xuất sản phẩm dược liệu nhằm tới các chuỗi thực phẩm sạch, nhà thuốc đông y.
Cái hay ở đây là cách hợp tác xã xây dựng cả một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững chung quanh dược liệu. Hệ thống ruộng, vườn, ao, chuồng… đều được quy hoạch gắn kết như những mắt xích sinh thái.
Những người làm vườn ở Mai Lâm rủ rỉ chuyện trò và tự hào khoe cùng khách: “Cây ở đất này không sống riêng lẻ, mà sống theo họ hàng”. Nghe cứ như đùa, nhưng ngẫm ra thật sâu sắc. Cà gai leo mọc cạnh sâm bố chính để tránh cỏ dại; đinh lăng trồng ven đường làm hàng rào, lại có thể che mưa gió cho luống tía tô… Tất cả là sự phối hợp giữa thiên nhiên và con người, giữa tri thức cổ truyền và khoa học hiện đại.
Thế hệ trẻ cũng bắt đầu quay về làm giàu cho quê hương. Có những kỹ sư đã ấp ủ, mở xưởng chế biến trà thảo dược; có những người con của làng học chuyên ngành dược, thiết kế bao bì sản phẩm từ chính lá khô, mộc mạc và đẹp như một món quà quê… Họ vừa làm kinh tế, vừa tiếp tục góp dấu ấn giản dị của mình vào bản đồ tinh thần của quê hương - nơi con người sống để trả ơn đất đai, nguồn cội.
Có người hỏi anh Nguyễn Văn Đại, người sáng lập Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đại Nam: Trồng và sản xuất dược liệu có giàu được không? Anh chỉ cười, đáp khẽ: “Giàu có nhất chính ở cái tâm. Đất còn thở, người còn khát vọng, ấy là giàu”.
Câu nói của anh nhận được sự đồng tình của mọi người bởi họ đều có chung suy nghĩ: Phát triển kinh tế không chỉ để có, mà còn để giữ, giữ lấy màu xanh, giữ lấy mạch nguồn, giữ tài nguyên vật chất, tinh thần cho thế hệ mai sau.
Thế hệ trẻ Mai Lâm hôm nay được trang bị kiến thức, đầy nhiệt huyết, tri thức, tình yêu quê hương, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Ở Mai Lâm, mùa xuân không chỉ đến từ lộc biếc đầu cành, mà còn ở nhịp chuyển mình sâu thẳm, mạnh mẽ trong tâm hồn và dáng dấp vùng đất cổ ngày xưa. Những con đường gập ghềnh năm nào nay đã phẳng phiu, rộng mở, nối thẳng ra trung tâm huyện Đông Anh; những biệt thự hiện đại mọc lên khang trang, đẹp mắt…
Nhưng ở góc chợ quê, vẫn còn đó bóng người mẹ già ngồi cạnh bó rau, lời chào thiết tha như vọng lời ký ức. Người dân bây giờ ngoài lao động hăng say còn quen với điện thoại thông minh, thiết kế quy trình, liên kết thị trường.
Khởi nghiệp từ đất quê không còn là khẩu hiệu, mà trở thành thực tế sống động từ những vườn thuốc nhỏ, sạch, xanh và ngát hương. Tự hào về quê hương, các cụ già ngồi uống trà bên ngôi đình cất giọng trầm ấm: “Rốt cuộc, mùa xuân không ở thời gian, mà trong lòng mỗi người, khi ta biết chờ đợi, lắng nghe và biết tri ân đất mẹ”.
Gửi phản hồi
In bài viết