Nhà báo Đỗ Hùng |
Ông Hùng là người gắn bó với tòa soạn báo từ khi còn trẻ cho đến lúc nghỉ hưu. Khi tôi chân ướt chân ráo vào cơ quan thì ông Hùng đã là “cây đa, cây đề” không chỉ của Báo Tuyên Quang mà của làng báo tỉnh nhà rồi. Nói như vậy không phải để đề cao ông gì cả, mà quả thật, khi đó ông “ôm” khá nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải... Cách ông làm tin thì nhanh “như một cơn gió”, thời đó, tôi tự hỏi, tại sao ông “săn” tin nhanh như vậy được?
Bởi, đầu những năm 2000, internet còn chưa phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế, nên việc trao đổi tư liệu, báo cáo chỉ có con đường duy nhất là đến tận nơi. Thậm chí, đến tận nơi còn khó, nhiều đơn vị vì lý do này lý do kia không cung cấp thông tin, tài liệu. Vậy nên, những năm tháng đó, không ít phóng viên thiếu chỉ tiêu hàng tháng, nhất là thiếu tin là chuyện... không hiếm.
Áp lực tin, bài cho mỗi số báo là khá lớn, vậy nên dạo đó tòa soạn mới có quy định mỗi số báo phóng viên phải có ít nhất 1 tin, trong tháng có 3 số báo trở lên không có tin là không đạt lao động A, B. Vì thế, phóng viên nào cũng áp lực “chạy” tin, có khi còn đối phó bằng cách “xin” tin nhau cho đủ chỉ tiêu hàng tháng.
Ấy vậy mà ông Hùng vẫn cứ ung dung tự tại, tháng nào ông cũng sản xuất được 30, 40 tin là chuyện bình thường, có tháng cao điểm ông đạt 60 tin, một kỷ lục mà từ trước đến nay ít có phóng viên nào của tòa soạn vượt qua được.
Chúng tôi, những người làm báo thế hệ sau này học được ở ông nhiều điều về cách làm báo, nhất là viết tin. Có lần tôi ngồi tỷ tê hỏi ông về cách làm tin, ông cười khà khà rồi bảo, đơn giản thôi, làm cái gì cũng phải có căn cơ cả, không tự nhiên mà có.
Trước hết, muốn làm được nhiều tin thì ngoài tư duy, nhãn quan, kỹ năng thì phóng viên phải có quan hệ tốt với cơ sở, các cơ quan, đơn vị mà bộ phận văn phòng là đầu mối để mình khai thác tư liệu làm tin. Khai thác các báo cáo làm tin là yếu tố cốt lõi để có nhiều tin bài, chứ làm gì có nhiều sự kiện, hội nghị để mà phóng viên “sẵn” đó mà làm.
Ông cười vui và xoa đầu tôi như xoa đầu đứa trẻ. Rồi ông bảo, “sau này chú mày hiểu việc còn giỏi hơn anh”, ông lại cười khà khà. Tiếng cười ấy nó sảng khoái làm sao, tôi thấy ông rất mãn nguyện về cách khai thác tin của mình. Nhưng quả là như vậy, cách ông làm giờ vẫn là bài học quý để lớp trẻ chúng tôi học theo.
Cũng có lúc tôi thấy ông say mềm, phóng xe đến nhà tôi bảo, “say quá, say quá, nay vừa đi uống rượu với mấy ông làm văn phòng, ngả nghiêng cả ra. Đấy, nhiều khi còn phải say với nhau thế đấy, tin bài cũng từ đó mà ra cả”. Tôi hiểu ý ông rằng, dẫu có đi uống rượu đi chăng nữa thì cũng không được quên nhiệm vụ của người làm báo, từ chỗ thân thiết nhau thì mới ra được các vấn đề để làm tin, viết bài.
Năm 2017, ông nghỉ hưu nhưng chưa khi nào tôi thấy ông ngơi nghỉ. Ông tham gia hoạt động tại Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với cương vị là Phó Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Hiệp hội, phụ trách trang thông tin điện tử, các nền tảng xã hội của Hiệp hội.
Vẫn với phong cách đó, tin tức ông đưa nhanh lắm, bố cục ảnh phù hợp với sự kiện, nhiều bài viết đánh giá chuyên sâu về hoạt động của Hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân nên trang thông tin điện tử khá phong phú, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, trở thành cầu nối của doanh nhân với Hiệp hội và các cơ quan chức năng của tỉnh.
Ông viết khá nhiều mặc dù trang thông tin điện tử của Hiệp hội không có nhuận bút, thù lao, hẳn chỉ bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề nghiệp thì mới làm được điều đó. Tôi và ông có duyên với nhau khá nhiều trong công việc, mỗi lần gặp nhau anh em tay bắt mặt mừng, ông bảo, nghề nó ngấm vào cốt huyết của mình rồi, hưu đấy nhưng ngồi chả yên, cứ muốn viết, muốn chụp, nếu vì đồng tiền mà làm không ra làm thì còn gì cái danh nhà báo nữa. Tôi thấy phục ông và càng trân trọng, học hỏi được nhiều điều ở ông.
Đến khi ông đổ bệnh rồi, nằm trên giường bệnh vẫn thấy ông đưa thông tin lên các nền tảng xã hội của Hiệp hội, vẫn nhắn tin bảo, “có gì hay bảo nhau câu nhé”. Tôi vẫn văng vẳng tiếng ông cười rôm rả, vẫn nghe đâu đó câu chuyện nghề nghiệp của ông sau mỗi lần đi cơ sở. Vậy mà, ông đã “ra đi” về cõi tổ tiên rồi.
Dẫu biết “Ngày mai, rồi mình cũng già. Thân thể này sẽ tàn úa” là quy luật tất yếu nhưng nỗi nhớ thương ông chả thể nguôi ngoai trong mỗi đồng nghiệp, người thân và công chúng yêu quý ông. Ông đã sống và làm việc như thế để thanh thản về với thiên thu...
Gửi phản hồi
In bài viết