Nhớ Tổng Bí thư với tinh thần “7 dám” trong công tác cán bộ

- Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác Đảng và xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Trong đó, những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư về bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ theo tinh thần “7 dám” là những vấn đề mang tầm chiến lược, định hướng quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng với giai đoạn hiện nay.

“7 dám” và xây dựng LLVT vững mạnh, toàn diện

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Người đã yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới. 

Thấm nhuần tư duy lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát tinh thần “7 dám” của cán bộ quân đội nói riêng, cán bộ, đảng viên nói chung. Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo sâu sắc về công tác cán bộ theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang các thời kỳ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thực hiện tinh thần “7 dám”, Đảng ủy Quân sự tỉnh Tuyên Quang và cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc thù của từng chi, đảng bộ và cơ quan, đơn vị, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng. Chú trọng gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Việc thực hiện các nội dung theo tinh thần “7 dám” được lồng ghép với thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng trong LLVT tỉnh và trong thực hiện nội dung giao việc đột phát, đổi mới đối với các chức danh cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy. Đồng chí Đại tá Hà Đình Khiêm, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới. Bởi lẽ, thực hiện tốt tinh thần “7 dám” sẽ trực tiếp góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

“7 dám” của người cán bộ, đảng viên

Tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phương châm hành động không chỉ trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội mà còn đối với tất cả cán bộ, đảng viên nói chung trong thời kỳ mới. Bởi lẽ, thực hiện tốt tinh thần “7 dám” sẽ trực tiếp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Để xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp ngang tầm nhiệm vụ, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều Nghị quyết về công tác cán bộ. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, vun trồng những “gốc rễ” vững mạnh, Đảng bộ tỉnh chú trọng thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ; từ đó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao việc đột phá, đổi mới cho các đồng chí cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cũng giao các nhiệm vụ đột phá cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở để đội ngũ cán bộ, công chức viên chức xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm thực hiện. Thông qua đó tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là đối với người đứng đầu.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Thực hiện tinh thần “7 dám” ở BCH Đảng bộ huyện, mỗi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, theo từng cương vị, chức trách nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên đã cụ thể hóa thành các tiêu chí với những định lượng cụ thể. Trong đó, tập trung vào những nội dung có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn tại, bức xúc... và được gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Trên cơ sở ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thấy những điều phù hợp với tinh thần chỉ đạo, phù hợp với công việc, mang lại lợi ích cho quê hương đất nước thì làm. 

Ở cấp cơ sở, thực hiện tinh thần “7 dám”, nhiều địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng những mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Trong đó có việc tích cực triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” nhằm thúc đẩy phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, lấy người dân làm đối tượng phục vụ. Tại Bộ phận Một cửa, tiếp dân đều niêm yết công khai phương châm hành động “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Các khẩu hiệu đã thể hiện tinh thần “7 dám” trong thực hiện nhiệm vụ gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân.

Ông Đặng Xuân Cường, đảng viên Tổ đảng 7, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) bày tỏ: Cán bộ mà dám nghĩ, dám làm thì mới có nhiều sáng kiến, giải pháp đem lại hiệu quả tốt nhất cho cơ quan, đơn vị. Đó là tư duy, cách nghĩ của người cán bộ, đảng viên vì nước, vì dân. Còn theo đồng chí Hà Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Giáp (Na Hang): “7 dám” là những phẩm chất tiêu biểu nhất của người cán bộ, đảng viên; dám đương đầu với khó khăn, thử thách giúp người cán bộ tiên phong sẵn sàng đảm nhận, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; góp phần vào công cuộc phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần “7 dám” luôn mang tính chiến lược, sách lược, định hướng cả trong ngắn hạn và dài hạn cho các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương... để tinh thần “7 dám” lan tỏa, thấm sâu vào tư duy, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành động lực khơi dậy khát vọng đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước.                   

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục